08/02/2007 11:20

Trần Tiến - chàng “Vưxốtxki” tuổi Hợi

Bỗng nghe vẳng vẳng trên loa truyền thanh: “Đoàn quân vừa đi - Đi về biên giới - Cũng từ biên giới về- Những bầy trẻ nhỏ … từng đôi mắt sáng lên, cháy lên như hình viên đạn … ”. Người viết giai điệu đồng cảm xúc với tôi chính là Trần Tiến.

Sau mùa xuân thẳng căng năm 1979, tôi viết bài thơ : “Mười bốn ngày ăn không đủ suất trẻ con - đi bằng người lớn - Im lặng như người già... Trẻ con của Cao Bằng - Là những người chiến thắng - Giữa lũ lượt gánh gồng sơ tán - Ngược đường chúng tôi lên mặt trận sớm nay”.

Trần Tiến sinh năm Đinh Hợi 1947, quê Hà Tây nhưng gia đình ở gần Ga Hàng Cỏ từ lâu. Bị hút hồn bởi giọng trầm mê đắm của anh trai Trần Hiếu, Trần Tiến không theo nghiệp sư phạm của cha mà nhập ngay nghiệp “cầm ca” những ngày đầu chống Mỹ. Bài hát đầu tiên “Thanh niên ra tiền tuyến” với tiết tấu đảo phách, ca từ trẻ trung: “Bạn thanh niên ta ơi! Ta cùng nhau lên đường- Cùng vượt núi băng sông…” “nhập tâm” không ít trai tráng thời ấy.

Những đợt đi hát nơi trận địa, đi biểu diễn ở Trường Sơn đã nhóm lên trong Trần Tiến ngọn lửa âm thanh sau bài hát đầu tiên. Đi Lào để biểu diễn cùng nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Trần Tiến vút lên “Cô gái Sầm Nưa” duyên dáng và đa tình. Đi theo đoàn 559, Trần Tiến phổ bài thơ “Tớ là Din Ba Cầu” của Phạm Tiến Duật đầy chất lính nghịch ngợm.

Nhưng để có sức vóc làm nghề sáng tác dài lâu, rất cần tu nghiệp cẩn thận. Trần Tiến đã quyết liệt như thế và tốt nghiệp Nhạc Viện Hà Nội cùng Nguyễn Cường vào mùa xuân 1979. Và “Những đôi mắt mang hình viên đạn” đã ra đời. Rồi“Giai điệu Tổ Quốc”, “Mùa xuân gọi” … và đặc biệt “Tạm biệt chim én” khi du ca cùng Thanh Lan.

Sẽ rất khó định đoán, nếu Trần Tiến không định cư tại Sài Gòn. Anh bắt đầu chất pop tại đất Sài Gòn với “Thành phố trẻ”: “Em đi về đâu - Mà tóc đầy me - Em ngồi em chải - Hát gì vui thế … Thành phố tôi rất trẻ - Bạn có nghe họ hát Là là lá lá lá la …” “Mặt trời bé con” rất “hot” với một câu chuyện về “cô bé cười ngộ ghê”.

Những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, những đêm ca hát tại Nhà văn hoá Thanh Niên TPHCM của Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Trần Tiến … là những đêm ấn tượng của “Thành phố trẻ” (Sài Gòn lúc ấy mới gần 300 tuổi ) mà “Kinh thành ngàn năm Văn Hiến” rất thèm thuồng nhưng không có được. “Ngăn sông cấm chợ” lúc ấy đâu chỉ có gạo, thịt… mà còn có cả “văn hoá văn nghệ” rất muốn được giao lưu giữa các vùng miền.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, nhất là sau thế chiến thứ I (1914 - 1918), chủ nghĩa “Modern” đã đưa thơ ca hiện đại tới độ “hát thơ” (tức là thơ và ca lại nhập làm một như thủa mới sinh ra). Thiên tài đoản mệnh (chết trẻ vì bị phát xít Franco xử tử) G.Lorca là một hình ảnh rực rỡ về một thi sĩ “hát thơ”.

Còn ở Nga, nhạc sĩ nổi tiếng hát thơ- “thơ cải tổ” là Vưxôtxki. Trong tập tuyển thơ Pháp thế kỷ XX, có vài thi sĩ kiểu đó. Ở Việt Nam, có lẽ “người hát thơ” đầu tiên (theo cách gọi của Văn Cao: “Người thơ ca”) chính là Trịnh Công Sơn- ca từ Trịnh Công Sơn thì chính là các bài thơ ám ảnh về tình yêu, về chiến tranh. Việt Nam sau chiến tranh, với những khao khát thăm sâu đòi đổi mới xoá bỏ quan liêu bao cấp cần có giọng “hát thơ” khác trước.

Và Trần Tiến xuất hiện. Những bài thơ dung dị Tiến hát lên bằng chất nhạc pop của riêng mình thường hướng về đời thường. Đó là người lính ra trận mà nụ hôn đầu tiên không dành cho người yêu, lại là nụ hôn lên môi đồng đội đã hy sinh (“Điệp khúc tình yêu”). Người lính trở về cùng thương tích (“Vết chân tròn trên cát”).

Đó là những khát vọng tình yêu ở các vùng quê thương mến: “Khúc hát chia xa” và “Ngẫu hứng sông Hồng” ở miền Bắc, “Tuỳ hứng Lý Ngựa ô” và “Ngọn lửa cao nguyên” ở miền Trung- Tây Nguyên, “Tiếng trống Ba Ra Nưng” và “Ngẫu hứng Lý qua cầu” ở châu thổ Nam Bộ.

Những đợt sóng trào dâng cảm xúc trong thi tứ và nhạc điệu lại dâng lên quyết liệt hơn trong “Trần Trụi 87” chương trình của một nhạc sĩ duy nhất khởi sự ngay đầu thời “cải tổ và đổi mới”. Trận pháo kích âm nhạc mạnh mẽ này vào dinh luỹ bảo thủ quan liêu bao cấp với những “Ý nghĩ trong phòng hải quan”, “Rock đồng hồ”…, đặc biệt bản pop “Đối thoại 87” đã khiến nhiều người choáng váng, bàng hoàng.

Làm sao không bàng hoàng khi âm nhạc và ca từ khoét thẳng vào cơ chế bao cấp. Tuy là cách chữa trị để lành bệnh nhưng rõ ràng gây sốc nặng cho người bệnh:

Tôi đã thấy bà mẹ tôi năm xưa nuôi từng đứa con

Mẹ mang mo cơm theo đoàn chiến sĩ

Bà mẹ giờ đây lang thang xin ăn trên những toa tàu

Anh có đau không?

Tôi đã thấy bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga

Bạn tôi đi xây công trình nước Mỹ

Bạn bè lừa nhau ngay trên quê hương cũng chính vì đói nghèo

Anh có đau không? Chị có đau không?

Và Trần Tiến thét:

Đừng hát những lời hát nhàm chán

Những lời mãi ngợi ca ru quê hương ta trong niềm kiêu hãnh

Mà quên đi áo cơm và hoa hồng

Không! Những người lính nằm xuống

Không hề mong nhìn thấy quê hương hôm nay

Đòi tay ăn xin cào xé tim ta

Hãy quay mặt nhìn lại chính mình

Hãy quay mặt nhìn về quê hương thân yêu

Trận pháo kích “Trần Trụi 87” đã khiến Trần Tiến phải đi kêu oan tới đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Làm sao có thể kết tội một nghệ sĩ dám nói thẳng nói thật những nhược điểm cần khắc phục của cơ chế vào thời điểm cần thực hiện dân chủ. Hội Nhạc sĩ VN thời nhạc sĩ Huy Du làm Tổng thư ký đã không bỏ rơi đồng nghiệp. Một hội thảo nghiêm túc diễn ra để ủng hộ Trần Tiến. Anh chính là “Vưxốtxki” của Việt Nam - chàng “Vưxốtxki” tuổi Hợi. Sau hội thảo ít lâu, Trần Tiến cùng bạn bè làm chương trình từ thiện đầu tiên của thời kỳ này.

Sau “Đối thoại 87”, anh lại tiếp tục những sáng tác nhằm cổ động trần trụi cho “kế hoạch hoá gia đình”. Chàng “Vưxốtxki” tuổi Hợi lại có cơ hội tuôn trào dòng nhạc pop của riêng mình: “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Sói con của tôi”, “Cô bé vô tư”,… và “Thượng đế buồn”: “Trời sinh voi trời không sinh cỏ - Thượng Đế buồn Thượng Đế bỏ đi…”. “Tình yêu nhiều ngăn”, “Hãy cho anh một đứa con trai”, “Cây đàn Cha Pi”… “Hà Nội năm 2000” như mở ra một chân trời tương lai thế kỷ mới: “Để trái sấu chín lăn lăn trên hè - Em đi về phía anh thiên thần…Để hát mãi khúc hát năm 2000 - Trong cây đàn ước mơ - Hà Nội ơi!”.

Chàng “Vư xốt xki” tuổi Hợi với sức vóc “lợn rừng” với cặp mắt rất “lẳng” với khát khao “thích đủ thứ” đã bươn chải dọc cuộc đời đến tuổi lục tuần “vừa nặng nhọc vừa nhẹ nhàng như chính hơi thở chứa chất linh khí xứ Đoài và cái thú “bia hơi vỉa hè” có vẻ rất hoà đồng với mọi người, thực ra rất cô đơn trong sáng tạo, đã lớn lên như thế, lớn lên như chính câu hát của mình”: “Con người chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn”.

Nội lực sáng tạo mạnh, Trần Tiến luôn luôn ý thức “làm mới mình” dù ở tuổi tác nào. “Mưa bay tháp cổ” mà anh tham gia “Bài hát Việt 2005” là một minh chứng hùng hồn của điều đó qua giọng hát trẻ đầy triển vọng Tùng Dương - ca sĩ ẩn tuổi anh - tuổi Quý Hợi 1983.

quocthang
từ khóa :
Chăm lo thiết thực, ý nghĩa

Chăm lo thiết thực, ý nghĩa

Lao động 00:30

Nhiều chương trình đã được khởi xướng trong năm 2024 nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho đoàn viên - lao động khó khăn

Báo in Người Lao Động 7-10: Quản chặt thời gian lái xe

Báo in Người Lao Động 7-10: Quản chặt thời gian lái xe

Thời sự 00:00

(NLĐO) - Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Pháp; Truyền cảm hứng cho doanh nhân và giới trẻ… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Người Lao Động ngày 7-10

Cầm chân Aston Villa, Man United níu "ghế" thầy Ten Hag

Cầm chân Aston Villa, Man United níu "ghế" thầy Ten Hag

Thể thao 22:43

(NLĐO) - Man United xứng đáng có được 3 điểm tại sân Villa Park tối 6-10 nhưng Aston Villa cũng cho thấy vì sao họ hơn đối thủ đến 9 bậc trên bảng xếp hạng.

Huỳnh Như ghi 2 bàn trong 3 phút, nữ TP HCM ra quân thuận lợi ở châu Á

Huỳnh Như ghi 2 bàn trong 3 phút, nữ TP HCM ra quân thuận lợi ở châu Á

Thể thao 22:31

(NLĐO) - CLB nữ TP HCM thắng Taichung Blue Whale 3-1 tối 6-10 tại bảng C AFC Women’s Champions League (Cúp C1 nữ châu Á) 2024-2025 nhớ cú đúp của Huỳnh Như

Nữ TP HCM thắng mở màn Cúp châu Á, Huỳnh Như nói về hiệp 1 chơi không tốt

Nữ TP HCM thắng mở màn Cúp châu Á, Huỳnh Như nói về hiệp 1 chơi không tốt

Thể thao 22:09

(NLĐO) - Trong chiến thắng 3-1 của CLB nữ TP HCM, Huỳnh Như lập cú đúp xé lưới Taichung Blue Whale ở lượt đầu tiên bảng C Cúp C1 nữ châu Á 2024-2025 tối 6-10.

Khánh thành Biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Sainte-Adresse

Khánh thành Biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Sainte-Adresse

Thời sự 22:05

(NLĐO) - Việc khánh thành Biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những minh chứng gắn kết mối quan hệ lịch sử Việt Nam và Pháp

Nga: Belarus có thể sử dụng hạt nhân nếu Ukraine tấn công

Nga: Belarus có thể sử dụng hạt nhân nếu Ukraine tấn công

Quốc tế 20:55

(NLĐO) - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói về việc Belarus sẽ có đủ lý do để tấn công Ukraine bằng vũ khí hạt nhân.