Ông David Dương - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Mỹ (VABA), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS, bang California - Mỹ) - vừa được tổ chức tin tức phi lợi nhuận San Jose Spotlight vinh danh là người có sức ảnh hưởng lan tỏa trong cộng đồng người Mỹ gốc Á tại thung lũng Silicon - Mỹ. Trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động, ông David Dương cho biết đây là niềm tự hào, nguồn động lực để ông tiếp tục cống hiến, thực hiện mong mỏi xây dựng một thung lũng Silicon tại Việt Nam.
Phóng viên: Để được vinh danh người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, San Jose Spotlight đánh giá ứng viên theo tiêu chí nào, thưa ông?
- Ông DAVID DƯƠNG: Đây là lần đầu tiên tôi được vinh danh tại Thung lũng Silicon. Trong đợt vinh danh lần này có 15 người, chủ yếu là các chính trị gia, chỉ có tôi là doanh nhân. Điều đó cũng làm cho tôi cảm thấy tự hào khi mình là công dân Mỹ gốc Việt.
Để kỷ niệm Tháng Di sản quốc gia của người Mỹ gốc Á và người đảo Thái Bình Dương, San Jose Spotlight đã nêu bật một số lãnh đạo cộng đồng có tầm ảnh hưởng nhất ở Thung lũng Silicon. Họ tìm những người lãnh đạo, doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng người Mỹ gốc châu Á. Người được vinh danh phải có nhiều đóng góp, tạo được sự ảnh hưởng tới cộng đồng, được nhiều người bình chọn. Việc bình chọn này diễn ra hằng năm trong cộng đồng người Mỹ gốc châu Á ở Thung lũng Silicon.
Tôi được vinh danh với tư cách là Chủ tịch VABA. Hiệp hội này đã đóng góp rất nhiều cho cộng đồng người Mỹ gốc Á là tạo ra nhiều việc làm, kết nối các ngân hàng lớn với các doanh nghiệp trong hiệp hội. VABA là hiệp hội doanh nghiệp người Việt tại Mỹ đang tăng dần uy tín và ngày càng lớn mạnh, tạo nhiều tiếng vang và bắt đầu được chú ý và có uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp tại Mỹ.
Được biết trong năm 2024, ông đã đầu tư rất lớn trong việc chuyển đổi công nghệ tại các dự án ở 2 thành phố San Jose và Oakland (bang California). Ông có thể nói rõ hơn về các dự án này?
- Thời gian qua, chúng tôi đã thay thế các xe chạy bằng xăng dầu chuyển qua dùng năng lượng khí hóa lỏng CNG để vận chuyển thu gom rác cho 2 thành phố San Jose và Oakland.
Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn, do vậy, sắp tới đây, chúng tôi sẽ thay dần các xe chạy bằng khí chuyển sang dùng xe điện để vận chuyển thu gom rác. Tại Hội chợ triển lãm công nghệ xử lý rác Waste Expo 2024 vừa tổ chức tại Las Vegas - Mỹ, chúng tôi đã đặt hàng mua 55 xe tải thu gom rác chạy bằng điện để thay dần các xe cũ đang sử dụng tại TP Oakland. Mỗi chiếc xe này trị giá khoảng 730.000 USD.
Ngoài ra, chúng tôi dự định đầu tư khoảng 500 triệu USD cho 2 nhà máy tái chế rác nhựa và giấy tại 2 thành phố San Jose và Oakland, công suất mỗi nhà máy 1.500 tấn/ngày. Nhà máy này sử dụng công nghệ AI trong việc phân loại rác, sử dụng robot để thay thế con người gần như 95%. Trước nay, qua phân loại rác, giấy và nhựa được đóng kiện xuất khẩu. Còn sắp tới đây, nhà máy phân loại tái chế sẽ cho ra sản phẩm bột giấy và hạt nhựa, làm nguyên liệu cung cấp trực tiếp cho các nhà sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Chúng tôi chuẩn bị đưa đoàn chuyên gia đến New York để tham quan nhà máy tái chế bột giấy theo công nghệ mới nhất để áp dụng tại TP San Jose và TP Oakland.
Đối với các dự án tại Việt Nam, cụ thể là dự án đốt rác phát điện tại TP HCM và dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An, việc chuyển đổi đầu tư, công nghệ đang được triển khai ra sao, thưa ông?
- Đối với dự án đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM), chúng tôi đã trình lãnh đạo TP HCM và đang chờ được phê duyệt. Một khi dự án được phê duyệt, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng nhà máy trong vòng 16 tháng.
Trong thời gian chờ xây dựng nhà máy mới và thay đổi công nghệ phù hợp với chủ trương của TP HCM (đốt rác phát điện), chúng tôi vẫn tiếp tục tiếp nhận và xử lý rác cho thành phố. Hiện nay, Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước đã tiếp nhận gần 25 triệu tấn rác và có thể tiếp tục nhận khoảng 12 - 13 triệu tấn rác nữa mới lấp đầy.
Đối với dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An, chúng tôi cũng đang chờ phía lãnh đạo tỉnh Long An phản hồi về việc đầu tư. Hằng năm, chúng tôi đều phải đầu tư kinh phí để bảo vệ rừng, công tác phòng cháy chữa cháy và giữ gìn an ninh trật tự tại dự án… Trước mắt, cùng với hệ thống hạ tầng đã triển khai, theo yêu cầu của địa phương, chúng tôi sẽ đầu tư hệ thống chiếu sáng cho tuyến đường N2 chạy dọc theo dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An.
Không chỉ nỗ lực thành danh, trở thành doanh nghiệp hàng đầu về xử lý rác thải ở Mỹ, nhiều năm qua, chúng tôi dành hết tâm huyết cho các dự án tại Việt Nam, mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương.
Chúng tôi cam kết tiếp tục thực hiện các dự án tại Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An và dự án đốt rác phát điện tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước. Chúng tôi cũng mong mỏi thực hiện được một thung lũng Silicon ngay tại Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An.
Nhân ngày 21-6, ông có gửi gắm gì cho đội ngũ làm báo TP HCM nói riêng và báo chí cả nước nói chung?
- Báo chí đóng góp một phần rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Với chúng tôi, trong quá trình đầu tư tại Việt Nam luôn nhận được sự đồng hành của báo chí. Thông qua báo chí, chúng tôi muốn lan tỏa nhiều điều tốt đẹp đến cộng đồng và mong mỏi đóng góp ngày càng nhiều hơn cho quê hương, đất nước.
Tôi mong cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục đồng hành, góp thêm tiếng nói để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, để doanh nhân, kiều bào về nước, về TP HCM đầu tư ngày càng nhiều hơn, góp phần phát triển kinh tế đất nước, xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp.