Android
Năm 2011 được các chuyên gia đánh giá là năm của các dòng điện thoại dùng hệ điều hành Android vì tăng thêm thị phần tới 5% với 92 triệu người sử dụng. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong các dòng điện thoại có mặt trên thế giới.
Hiện Android vừa ra mắt hệ điều hành mới, phiên bản 2.3 với tên gọi Gingerbread với những sức mạnh đáng nể. Nó sẽ là nền tảng quan trọng cho nhiều dòng smartphone tương lai của Google. Android 2.3 có khả năng chạy các ứng dụng với tốc độ nhanh gấp 5 lần so với các phiên bản hệ điều hành cũ và hỗ trợ tăng tốc duyệt web nhanh hơn 3 lần. Đây là một trong những dòng điện thoại tiên phong trong công thức “hiệu suất - năng lượng” khi tốc độ xử lý tăng lên nhưng tiêu thụ điện năng giảm xuống. Ngoài ra, Android 2.3 còn hỗ trợ Flash Player - một nền tảng Adobe Systems để hiển thị các nội dung trên web như hình ảnh và video, hỗ trợ cài đặt tài khoản Microsoft Exchange, hỗ trợ biến chiếc điện thoại của bạn trở thành một điểm phát sóng WiFi...
Hạ giá sản phẩm
Thời của những chiếc điện thoại thông minh với giá cắt cổ đã qua. Ngay cả Apple cũng không dám nâng giá iPhone lên quá cao, mà còn phải nỗ lực tăng cường phần cứng cũng như sức mạnh cho máy trong khi vẫn giữ nguyên hoặc hạ giá sản phẩm.
Xu thế của smartphone trong năm 2011 sẽ là hạ giá. Theo mặt bằng chung hiện tại, để sở hữu một điện thoại thông minh, người dùng phải bỏ ra khoảng trên 3 triệu đồng. Khi sử dụng smartphone, các chuyên gia cũng có một lưu ý, đó là “tiền nào của nấy”. Nhiều dòng điện thoại do tập trung quá mức về giá cả nên đã lược bỏ nhiều đặc tính về độ bền của cấu hình. Điều đó, khiến cho smartphone vừa là chiếc bánh hấp dẫn, nhưng cũng lại là quả ớt cay cho những người ít tiền. Vì thế, trong cuộc đua giảm giá, các hãng có tên tuổi sẽ giành được lợi thế so với những công ty mới nổi.
Chơi game
Chưa bao giờ game được đầu tư trên điện thoại với mức “khủng” như hiện nay. Nếu trước kia, một game cho điện thoại thường chỉ có dung lượng cao nhất là 10 MB với đồ họa, âm thanh, hình ảnh, hiệu ứng hạn chế, thì nay nhiều công ty game đã bỏ ra nhiều tiền để phát triển các dòng game cho di động. Trên iPhone, có những “siêu game” dung lượng tới trên 500 MB và mạnh mẽ không hề kém bất kỳ dòng game có tiếng nào chơi trên máy tính hoặc máy chơi game. Thậm chí, game online trên di động cũng đã đạt được những thành công mới nhờ sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn.
Trước điều kiện ấy, khả năng chơi game trên “dế” sẽ được các hãng đẩy mạnh. Các hãng như Nokia, Samsung, Motorola, iPhone... vừa tung ra nhiều công nghệ cho phép chơi game “đỉnh” hơn bao giờ hết, như chip lõi kép Nvidia Tegra, công nghệ màn hình 3D, con quay hồi chuyển (gyroscope), gamepad trên bàn phím...
Theo nhiều nguồn tin không chính thức, iPhone và Windows Phone đang phát triển các bản cập nhật hệ điều hành và kho ứng dụng game trực tuyến cho các dòng smartphone tương lai của mình có thể chơi game với khả năng tương đương trên máy tính.
4G
Năm 2011 sẽ là năm công nghệ 4G được đẩy mạnh trên khắp thế giới. Nhiều nhà mạng đã giới thiệu những chiếc “dế” chạy trên sóng 4G của mình. Với khả năng truyền tải dữ liệu với tốc độ siêu nhanh cùng những dịch vụ đặc biệt khác, 4G cho smartphone sẽ làm được nhiều việc hơn so với những thế hệ mạng di động trong quá khứ. Điện thoại thông minh trong năm 2011 sẽ hỗ trợ 4G triệt để từ phần cứng, hệ điều hành cho tới các linh kiện phụ trợ gắn thêm.
Motorola, Nokia, HTC đã lần lượt giới thiệu nhiều sản phẩm điện thoại 4G khác với nhiều mức giá khác nhau để thu hút người dùng. Các hãng lớn nhỏ khác trên thế giới cũng đều thông báo về lộ trình phát triển 4G của mình. Tại Việt Nam, 4G cũng sẽ không bị bỏ rơi vì FPT Telecom, CMC, VTC, VNPT... đã được cấp phép cho việc triển khai 4G. Với lợi thế là những nhà phân phối điện thoại hoặc triển khai các dịch vụ viễn thông, những công ty này sẽ có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của 4G.
Điện toán đám mây
Điện toán đám mây đang được các hãng nỗ lực đầu tư với mức cao nhất. Các ứng dụng trực tuyến sẽ giúp giải phóng hệ điều hành và phần cứng trong “dế”, những chiếc di động sẽ không cần lo việc nâng cấp chip, RAM nữa mà vẫn có thể sử dụng các phần mềm một cách trơn tru. Điện thoại sẽ được giải phóng khỏi những nhiệm vụ lặt vặt để tập trung vào những khả năng mới. iPhone, Palm, Windows Phone, Android... là những tên tuổi đang nỗ lực thúc đẩy các ứng dụng điện toán đám mây. Với những đường truyền tốt hơn, mạnh hơn, bảo mật hơn sẽ là tiền đề để cho các dịch vụ trực tuyến trong công nghệ điện toán đám mây trên điện thoại phát triển.