Chỉ là gia công thuê
Theo các chuyên gia, một chiếc điện thoại Iphone có hàng trăm linh kiện, được cung cấp bởi rất nhiều các hãng DN khác nhau. Chỉ riêng phần màn hình cũng được lắp ghép từ linh kiện của hơn chục nhà cung cấp.
Song, nếu tất cả DN sản xuất linh kiện chỉ chia nhau 250 USD thu được từ mỗi chiếc iPhone, thì Apple được hưởng gấp đôi, khoảng 500 USD. Rõ ràng, với việc nắm trong tay công nghệ, thiết kế,... Apple được hưởng lợi nhuận rất lớn.
Ai cũng thừa nhận rằng, nói đến iPhone mọi người đều nhắc đến Apple, nhưng tất cả các chi tiết của Iphone đều không do Apple sản xuất. Trong khi Apple hưởng giá trị gia tăng trên 60% sản phẩm, thì Trung Quốc, nơi sản xuất chỉ được nhận chừng 5%. Vậy nên, dù cho Việt Nam có sản xuất được cục sạc pin hay ốc vít cho Apple đi chăng nữa, vẫn không được thế giới nhắc đến khi nói về sản phẩm này.
Không ít DN Việt Nam có lẽ cũng thấm thía điều này, nhưng "lực bất tòng tâm". Hai năm lại đây, một loạt các DN Việt Nam đã nỗ lực tung ra thị trường các sản phẩm smartphone với khát vọng cạnh tranh cùng các thương hiệu ngoại, cũng như gửi gắm tham vọng đứng đầu chuỗi sản xuất một ngày không xa.
Smartphone Việt: Có ảo tưởng?
Mobistar, một thương hiệu điện thoại di động của Việt Nam, đã "bắt tay” với những tên tuổi có tiếng trong làng công nghệ như MediaTek (Đài Loan), Sony (Nhật Bản), Opera Software (Na Uy) để phát triển smartphone. Mới đây, thương hiệu này đã tung ra chiếc smartphone Prime 508, với giá bán dưới 5 triệu đồng.
HKPhone cũng đã cho ra mắt smartphone có tên Racer Inno, chạy chip của Qualcomm (Mỹ). Đây là một điều khá bất ngờ khi trên thị trường ít có thương hiệu nào dám đưa "hàng hiệu" Qualcomm vào sản phẩm smartphone giá rẻ. Với giá bán chỉ 3,65 triệu đồng, người tiêu dùng đã được nhận một chiếc điện thoại cấu hình Mỹ. Racer Inno có cấu hình mạnh và giá bán cạnh tranh so với nhiều smartphone ngoại đang tràn ngập trên thị trường.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới đây cũng tung ra thị trường 2 chiếc smartphone là Vivas Lotus S2 và S2 Eco hướng đến người dùng trẻ với giá bán hấp dẫn. Vivas Lotus S2 được trang bị màn hình 4 inch, giá 1,59 triệu đồng; còn S2 Eco giá 2,19 triệu đồng.
VNPT cho biết, toàn bộ các khâu thiết kế, phát triển phần mềm, sản xuất của các smartphone dòng Lotus đều được thực hiện tại nhà máy của VNPT Technology, trong khi linh kiện được chọn từ các nhà cung cấp lớn trên thế giới.
Mới đây, thị trường đang chú ý đến sản phẩm smartphonecủa Tập đoàn An ninh mạng Việt Nam (Bkav) sản xuất, vừa xuất hiện tại triển lãm Điện tử tiêu dùng Mỹ (CES) 2015. Các thông tin đều cho biết, đây một sản phẩm rất cao cấp. Smartphone này có nhiều ưu điểm về vỏ, kính, các chi tiết được hoàn thiện rất tốt. Màn hình 5 inch, Full HD của sắc nét... Điều đặc biệt, đây là sản phẩm được thiết kế bởi Bkav và sản xuất tại Việt Nam.
Tập đoàn này cũng không giấu tham vọng sẽ phân phối sản phẩm này trên thị trường toàn cầu và cạnh tranh với những thương hiệu nổi tiếng như Iphone, Galaxy Note... Dự kiến cuối tháng 3-2015, smartphone này sẽ chính thức ra mắt tại Việt Nam và bán ra từ 4-2015, với mức giá cạnh tranh so với các sản phẩm cùng phân khúc.
Theo giới chuyên môn, từ trước tới nay, phần lớn chúng đều được sản xuất theo phương thức ODM, tức là mua sẵn một dòng sản phẩm smartphone nào đó của nhà sản xuất nước ngoài; hoặc ra đề bài, để nhà sản xuất nước ngoài thiết kế và chế tạo. Các sản phẩm này hiện đang cạnh tranh khá chật vật với những thương hiệu ngoại như LG, Samsung, Nokia,... tại thị trường trong nước, chưa nói gì đến phát triển ra quốc tế. Đó cũng không phải là giấc mơ về sản phẩm công nghệ cao ngang tầm thế giới.
Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav cho biết, DN đã phải theo đuổi 11 năm để phát triển các sản phẩm thông minh, Riêng với smart phone này là 4 năm. Năm năm trước công ty đã xây dựng một nhà máy sản xuất linh kiện cho sản phẩm này để có thể sản xuất đồng bộ từ thiết kế sản phẩm, mạch điện tử, phần mềm, cơ khí, đột dập...
"Nếu cứ chạy theo sản xuất ốc vít thì chúng ta cũng chỉ theo đuôi chuỗi giá trị toàn cầu, lợi ích mang lại không cao. Chỉ có đầu tư phát triển các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, công nghệ cao mới trở thành phú cường. Yếu tố thuận lợi của Việt Nam hiện nay chính là trí tuệ con người" ông Thắng nói.