Bước ra khỏi cửa hàng tại Cầu Giấy (Hà Nội) với chiếc HTC One M8 trên tay, Nguyễn Đức Hoàng, 24 tuổi không giấu được vẻ hào hứng. Anh cho biết, bản thân vừa sắm một chiếc One M8 bản Harman Kardon đã qua sử dụng với giá 6,5 triệu đồng, còn cái mà anh đang cầm trên tay là của người bạn cùng lớp nhờ mua hộ sau khi được chính Hoàng tư vấn. Đây là một chiếc One M8 bản thường, full box, có giá 6,99 triệu đồng, hình thức đẹp không kém máy mới, phải để ý kỹ mới phát hiện một vài vết cấn nhẹ.
Chọn mua máy đời cũ, qua sử dụng là cách tốt nhất để trải nghiệm các tính năng đỉnh cao trên các dòng máy cao cấp với một sinh viên đang đi làm thêm như Đức. Trên thực tế, các dòng máy này đang trở thành “nồi cơm” của nhiều cửa hàng, với sức mua cao hơn cả máy mới.
Trong số các smartphone cũ tràn lan trên thị trường, iPhone hiện vẫn là tâm điểm. Từ iPhone 4, 4S qua sử dụng cho đến iPhone 6, 6 Plus, tất cả các model này đều nhận được sự quan tâm lớn từ người dùng. Với giá bán dao động từ 2 triệu đến hơn chục triệu đồng, iPhone có thể đáp ứng mọi yêu cầu về giá của người dùng.
Không đa dạng như iPhone, nhiều cửa hàng thường chọn nhập các máy Android cao cấp đời cũ về bán, chẳng hạn HTC One M8, LG G3, Xiaomi Mi4, Samsung Galaxy Note 3. Một số khác chọn nhóm hàng “độc” hơn để khách có thêm lựa chọn khác biệt, chẳng hạn HTC One M8 chạy Windows Phone, Lumia 1020, Motorola Moto X. “Lợi thế lớn nhất của máy cao cấp đời cũ là giá bán thấp, ở mức 6-8 triệu đồng. Đây là tầm giá người dùng dễ chấp nhận nhất ở nhóm xách tay thời điểm hiện tại”, anh Tuấn Anh - chủ một cửa hàng tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay.
Smartphone đã qua sử dụng phổ biến đến mức dân buôn mặc định nó là một trong ba mảng sản phẩm trên thị trường hiện nay, bao gồm máy cũ (like new), máy xách tay mới (brand new) và máy chính hãng. Chẳng hạn, khi có khách hỏi mua iPhone 5S, cửa hàng tư vấn máy có giá từ 6,9 triệu đồng, vốn là giá của máy cũ, thay vì mức giá hơn 10 triệu đồng của máy xách tay mới 100%.
Chất lượng của máy đã qua sử dụng là một vấn đề đáng lo ngại. Ảnh: Cnet.
Giá rẻ, ngoại hình tốt, nhiều lựa chọn nhưng chất lượng của các sản phẩm này khó kiểm chứng. Theo anh Đặng Công - kỹ thuật viên tại một hệ thống bán lẻ lớn, gần như toàn bộ smartphone cũ về Việt Nam được gom từ Trung Quốc, kể cả những sản phẩm quảng cáo là hàng Mỹ, có logo các nhà mạng Verizon, Sprint.
Con đường đưa máy về Việt Nam khá quen thuộc. Các đầu nậu lớn tại Hong Kong, Trung Quốc có nhiệm vụ gom máy từ các nước phát triển, có thể qua các trang bán đồ cũ hoặc chương trình thu mua máy cũ của nhà mạng.
“Các đầu nậu này có thể chào hàng đối tác tại Việt Nam hoặc ngược lại, phía Việt Nam có yêu cầu cụ thể về sản phẩm nào họ đều có thể đáp ứng”, anh Công cho hay.
“Mua máy xách tay mới đã có rủi ro, máy cũ càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn”, anh này cho biết thêm. Tình trạng người mua gặp phải máy đã thay màn hình, chai pin không phải hiếm. Do đó, ngoài việc chọn các cửa hàng có uy tín, người mua máy cũ cần phải có hiểu biết sâu về sản phẩm để tránh tình trạng tiền mất tật mang.
Trước tình trạng hàng loạt các smartphone cũ, smartphone dạng xả hàng ồ ạt về nước, một số người cho rằng Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ điện thoại "rác" của thế giới.