Điện thoại... bẻ cong
Dự án chế tạo điện thoại bẻ cong bắt đầu cách đây vài năm, khi Sony (trong liên doanh với Ericsson) đã liên kết với Viện Khoa học Công nghệ Max Planck (Đức) cùng nghiên cứu tìm ra một loại màn hình có độ dày cực mỏng để giúp tiết kiệm năng lượng và tăng độ bền chống lại các va đập. Dự án hiện chưa đi đến đích cuối cùng, nhưng những sản phẩm thử nghiệm đầu tiên khi vừa được công bố đã khiến giới công nghệ phải ngỡ ngàng.
Trong một cuộc triển lãm về các thành tựu khoa học, kỹ thuật mới, Sony và Viện Max Planck đã giới thiệu một loại màn hình siêu dẻo, siêu mỏng (dày chưa tới 1 mm), và tiết kiệm điện. Nó mềm dẻo đến độ có thể gấp lại và bỏ vừa vào trong hộp đựng. Hiện chi tiết công nghệ chưa được công bố, nhưng các nhà phát minh nói rằng nó sẽ sớm được ứng dụng lên các sản phẩm của Sony như TV, điện thoại, máy tính xách tay...
Do cực mỏng, nên điện thoại sử dụng loại màn hình này sẽ hoàn toàn trong suốt, rất sáng và tiết kiệm điện. Một nhà nghiên cứu của dự án cho hay, chi phí chế tạo loại màn hình này rẻ hơn rất nhiều lần so với màn hình thông thường.
Các hãng khác dường như cũng không chậm chân, Samsung cũng vừa công bố đã cơ bản nghiên cứu được loại màn hình Amoled mới siêu bền, có khả năng bẻ cong, chịu va đập mạnh nhưng vẫn hiển thị tốt và hình ảnh không hề bị biến dạng sau khi bị tác động. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng độ dẻo của màn hình do Samsung phát triển còn kém xa so với dự án màn hình của Sony.
Màn hình 3D nổi
Màn hình 3D cho điện thoại chỉ mới ra đời gần đây nhưng trong vòng chưa đầy nửa năm, chúng đã phát triển qua 3 thế hệ khác nhau. Thế hệ đầu tiên là những chiếc màn hình cần phải dùng kính chuyên dụng mới có thể xem được với hạn chế là nhìn lâu sẽ khiến mắt bị nhức. Thế hệ thứ hai nhanh chóng được phát triển với công nghệ tách hình cho phép tạo được cảm giác nhìn hình ảnh 3D mà không cần phải mang kính đặc biệt. Tuy thế, các hình ảnh hiển thị trong màn hình này vẫn chỉ là 2D và dùng các cơ chế về vật lý để đánh lừa thị giác của con người. Màn hình 3D thực sự, hay màn hình 3D thế hệ thứ ba đang được các nhà khoa học dồn sức nghiên cứu. Theo một vài thông tin được tiết lộ, dạng màn hình này sử dụng 2 lớp hiển thị hình ảnh đi kèm với công nghệ tách ánh sáng để đảm bảo cho người xem có được cảm giác như xem những vật nổi thật sự trong màn hình.
Bàn phím bẻ cong
Bàn phím cong có lẽ là một trong những thứ bình thường nhất trên siêu điện thoại của tương lai vì nó đã... xuất hiện ở hiện tại. Công ty sở hữu công nghệ này chính là AirTouch, bàn phím được chế tạo bằng vật liệu silicon nên hoàn toàn không độc hại. Các kiểm tra thực tế cho thấy, công nghệ mới bảo vệ phím bấm khỏi bị bào mòn do sử dụng (một hiện tượng rất thường thấy trên điện thoại, nhất là với những máy được dùng để nhắn tin nhiều).
Cơ chế thiết kế bàn phím khá đơn giản, bản mạch đồng được đúc khuôn với silicon và gắn lên các thiết bị khác. Nhiều nhà quan sát cho rằng, trong tương lai, với các cơ chế màn hình lẫn bàn phím có thể uốn cong, công nghệ phát hình nổi rất có thể, điện thoại sẽ được đeo lên tay giống như một chiếc đồng hồ thông thường hoặc cuộn lại như tờ giấy để cất vừa vào ví.
Những công nghệ khác
Ngoài những công nghệ đã được giới thiệu, nhiều nguồn rò rỉ thông tin từ các trang mạng về công nghệ cho thấy, các hãng đang bí mật phát triển rất nhiều những công nghệ mới chưa từng có tiền lệ trước đây như màn hình có khả năng kéo dài, pin siêu bền (sử dụng vài năm không cần sạc)... được những hãng lớn hậu thuẫn như Sony, Sanyo, Nokia, Apple... Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, các nhà quan sát cho rằng sẽ không quá lâu nữa để những siêu điện thoại xuất hiện trên thị trường.