Không hiểu biết nhiều về iPhone, chị Phạm Hoài Phương – làm việc tại một khu công nghiệp ở Bắc Ninh, cẩn thận nhờ người quen tìm mua iPhone 5 đã qua sử dụng. Cô khá ưng ý khi nhận lại chiếc iPhone 5 màu trắng còn mới, camera chụp hình đẹp với giá khoảng 6 triệu đồng. Sau vài ngày, Phương phải sạc máy đến 3 lần/ngày, dù chỉ sử dụng ở mức độ vừa phải, không dùng 3G.
Những chiếc iPhone hàng lướt có ngoại hình còn mới dễ làm người dùng xiêu lòng, bỏ qua việc kiểm tra kỹ các tính năng của máy. Ảnh: iMore.
Cô được đổi một chiếc máy khác nhờ yếu tố “quen thân cửa hàng”. Tuy nhiên, có nhiều người không may như vậy. Vũ Hoàng - sinh viên năm cuối tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Nội, hiện khóc dở, mếu dở với chiếc iPhone 5S hàng lướt mới mua.
Máy dùng tốt một số tính năng, tuy nhiên kết nối Wi-Fi yếu và chập chờn. “Khi mua, mình đã thử máy cẩn thận nhưng vẫn không phát hiện lỗi", Hoàng nói. "Nhiều lúc đi café, đám bạn dùng máy Lumia giá rẻ vẫn bắt Wi-Fi tốt, trong khi máy mình liên tục đứt mạng”.
Chiếc iPhone 5S của Hoàng bị cửa hàng từ chối bảo hành vì lý do: “Wi-Fi kém là nhược điểm chung của iPhone 5S, đó không phải là lỗi”. Tuy nhiên, địa chỉ này lại sẵn sàng thay thế module Wi-Fi cho máy với giá cả triệu đồng.
“Mua iPhone hàng lướt tiềm ẩn nhiều rủi ro”, anh Minh Trí – kỹ thuật viên một cửa hàng sửa chữa di động tại Hà Nội nói. “iPhone hiện là sản phẩm có nhiều hàng dựng nhất. Hiện số lượng máy cũ khá lớn, nên khó tránh khỏi các sản phẩm kém chất lượng”.
Theo anh Trí, màn hình cảm ứng chất lượng kém, pin yếu, loa rè và âm lượng thấp là những vấn đề thường gặp. Ngoài ra, phụ kiện đi kèm máy đều là "fake" - hàng từ bên thứ 3 sản xuất. “Người dùng bình thường thường chỉ kiểm tra qua loa về ngoại hình mà ít quan tâm đến pin, loa hay Wi-Fi. Nếu có, họ vẫn không phát hiện ra bởi thời gian thử máy tại cửa hàng khá ngắn”.
Giải thích về việc ngoại hình của iPhone hàng lướt bóng bẩy, anh Trí cho hay, tất cả những chiếc máy dạng này đều đã được "mài" hoặc thay hoàn toàn vỏ. Chính vì thế, chúng dễ làm khách hàng thích ngay ở cái nhìn đầu tiên.
Mặc cho những rủi ro tiềm ẩn, nhiều người vẫn quyết định chọn mua iPhone hàng lướt do rẻ.
Theo nhiều thợ kỹ thuật, cách tốt nhất người dùng nên tìm mua các sản phẩm chính hãng cũ bán lại, hoặc máy đổi trả từ một số hệ thống bán lẻ lớn. Ngoài ra, khi mua các sản phẩm được quảng cáo “full box”, người dùng cũng cần kiểm tra kỹ số IMEI trên vỏ, trong máy, khay SIM và hộp đựng trùng nhau để tránh gặp phải hàng dựng.
“Nếu chấp nhận mua máy lướt, người dùng cần kiểm tra máy đủ lâu để xác định thời lượng pin, thử điểm chết trên màn hình, loa ngoài, đặc biệt là Wi-Fi. Người dùng nên đem máy ra đủ xa với nguồn phát Wi-Fi để xem khoảng cách bắt sóng có tốt hay không”, anh Trí chia sẻ.
Ngoài ra, việc tìm mua ở những cửa hàng hoặc người bán có uy tín, có cơ chế bảo hành, đổi trả máy rõ ràng là yếu tố quan trọng – theo anh Trí. “Bạn hãy đọc kỹ quy định bảo hành của cửa hàng, điểm nào không rõ hãy hỏi lại người bán. Việc này rất quan trọng, tránh để họ lật lọng khi máy xảy ra vấn đề". Thông thường, nhiều cửa hàng sẵn sàng tung ra các gói bảo hành 6 đến 12 tháng nhưng sẽ thêm nhiều điều khoản không bảo hành nguồn, màn hình hay từ chối đổi trả sau khi mua.