1. Bỏ rơi thiết bị cũ trên các hệ điều hành mới
Nếu từng dùng qua nhiều hệ điều hành (HĐH) và thiết bị phần cứng, hẳn bạn sẽ biết điều phiền toái này. HĐH mới có nhiều ưu điểm hơn, song bạn không thể dùng món đồ cũ của mình chỉ vì ... nhà sản xuất (NSX) không viết driver mới cho chúng (hoặc driver cho HĐH cũng không chạy được nữa).
Lý do đơn giản phía sau hành động "đem con bỏ chợ" của NSX là muốn "ép" bạn phải mua sản phẩm mới của họ. Mặc dù điều này đúng trong kinh doanh, nhưng việc phải từ bỏ thiết bị cũ vẫn đang dùng ngon lành vẫn là điều khiến cho bạn thất vọng. Trong tình huống này, không phải cứ "mới" sẽ hợp với nhu cầu của bạn.
2. Đĩa zip của Iomega
Đã bao giờ bạn từng thắc mắc về ký hiệu ổ ZIP trên một số thùng máy PC chưa ? Đấy chính là tàn tích một thời của hãng Iomega khi đề xuất ra một thiết bị lưu trữ di động với dung lượng lên tới 100, 250 và 750 MB. So với các đĩa mềm có dung lượng 1,44 MB cùng thời (1994), ý tưởng của Iomega thực sự làm rất nhiều tín đồ công nghệ thèm muốn khi nhìn thấy chúng.
Tuy vậy nó mắc phải một lỗi chết người trong quá trình sử dụng. Mặc cho các trang kiểm định công nghệ nói rằng ZIP rất bền, nhiều người dùng "kém may mắm" được trải nghiệm "tiếng click tử thần", một âm thanh xuất hiện khi có lỗi hoạt động và, sau cùng thì dữ liệu biến mất. Vào những năm trước 2000, bạn có thể hình dung 100 MB dữ liệu có giá trị như thế nào ...
Đến tháng 09-1998, một đơn kiện Iomega đã được đệ trình lên toà để "bày tỏ bức xúc" về vấn đề này. Song, thứ thực sự kết liễu ZIP không phải là kết luận của phiên toà mà là sự ra đời của đĩa quang (CD) có thể ghi xoá nhiều lần.
3. Bộ nhớ RDRAM của Rambus
Vào những năm 90 thế kỷ trước, người ta từng đồn đoán rằng công nghệ RDRAM của Rambus sẽ hất cẳng SDRAM ra khỏi vị trí chuẩn nhớ công nghiệp dùng cho PC. RDRAM có khả năng đem lại băng thông cao gấp đôi SDRAM tại cùng một tần số. Và chính Intel cũng đã đặt nhiều kỳ vọng cho nền tảng Pentium 4 đầu tiên, dựa trên chipset Intel 850, sẽ chỉ hỗ trợ bộ nhớ RDRAM. Nhưng sau cùng, điều gì đã không như dự tính ?
Công nghệ của Rambus đã thất bại khi phải vượt qua các chướng ngại sau : độ trễ cao, lượng nhiệt toả ra lớn, và giá thành quá đắt đỏ. Các con số về độ trễ đã thu hẹp khoảng cách về băng thông giữa RDRAM và SDRAM, chưa kể Rambus lại tính phí bản quyền công nghệ (đặc biệt khi sản xuất số lượng lớn, điều này làm nặng gánh các NSX bán dẫn).
Ngoài ra, RDRAM phải được cài đặt thành cặp nhằm khai thác đầy đủ năng lực dual-channel, góp phần tăng thêm chi phí nâng cấp. Sau cùng, khi đến lượt chuẩn DDR SDRAM ra đời cũng như được Intel hỗ trợ, câu chuyện về RDRAM kết thúc. Còn bản thân Rambus, ngày nay người ta biết đến hãng này như một công ty chuyên đi kiện cáo bản quyền công nghệ bộ nhớ.
4. Ổ cứng Deskstar 75GXP của IBM
Model lưu trữ từ tính này của IBM thực tế có một biệt danh khác là Deathstar (Ngôi sao chết). Và những người mua nhầm sản phẩm này chỉ biết đến điều ấy sau khi dữ liệu của họ đã bay theo làn khói.
Deskstar 75GXP về căn bản không đáng tin cậy. Trong khi IBM chưa bao giờ thừa nhận rõ ràng về trách nhiệm của mình khi tung ra những ổ cứng có giá thành thấp này, họ vẫn đồng ý bồi hoàn 100 USD cho bất kỳ ai đang sở hữu một chiếc HDD hỏng, nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý sau này.
5. Chip Pentium 4 nền Willamette của Intel
Thế hệ chip Pentium 4 đầu tiên được ra mắt vào 2000 không chỉ đắt đỏ, nóng, hao điện mà còn vướng vào "ách" bộ nhớ RDRAM. Nhưng tất cả chúng có thể sẽ chấp nhận được nếu con chip này mạnh hơn các thế hệ cũ đi. Thế mà không, hai phiên bản Pentium 4 nền Willamette 1,5 & 1,6 GHz đầu của Intel thậm chí còn thua cả con chip Pentium III nhanh nhất lúc bấy giờ.
Intel phải bỏ ra một lượng lớn các thay đổi về kiến trúc lẫn tiến bộ trong kỹ thuật bán dẫn cho NetBurst nhằm tạo ra tính cạnh tranh hơn với các model của đối thủ. Nhưng ngay cả thế, Pentium 4 vẫn luôn nóng và hao điện. Thực tế là, khi mẫu thiết kế Prescott chạm ngưỡng xung 3,8 GHz, công ty này đã nhận ra họ không bao giờ chạm được mức 10 GHz như đã từng huyên thuyên trước đây. Đến lúc ấy, Intel chuyển hướng tập trung của mình sang thiết kế Core (hiện vẫn dùng cho tới tận bây giờ).
6. Chip Itanium của Intel
Tại thời điểm chuyển giao qua thiên niên kỷ mới, con chip Itanium 64-bit của Intel được tin sẽ trở thành một hào quang mới. Intel cũng kỳ vọng rằng kiến trúc IA-64 sẽ thay thế được kiến trúc x86 cũ kỹ. Nhưng không may, hiệu năng khi chạy giả lập các ứng dụng x86 của nó quá ảm đạm. Tuy vậy, thứ thực sự "đánh chìm" Itanium là bộ tập lệnh 64-bit do AMD phát triển, vẫn có thể chạy tốt trên nền kiến trúc x86.
Về sau, Intel buộc phải tiếp nhận các tập lệnh x86-64 cho dòng chip Pentium 4 của hãng. Còn Itanium được đẩy lên phân khúc server cao cấp dành cho doanh nghiệp. Intel vẫn dành cho Itanium một nỗ lực phát triển đầy đủ với một lộ trình hoành tráng, ngay cả cho đến tận bây giờ. Song khi Microsoft tuyên bố sẽ ngưng các hỗ trợ dành cho IA-64, thì Oracle cũng bỏ đi nốt vào năm sau.
7. Đầu chuyển IDE thành SATA
Khi mới được nêu ra, bộ chuyển IDE-sang-SATA tưởng chừng là một ý tưởng tuyệt vời cho những ai muốn nâng cấp lên các hệ thống mới nhưng không hỗ trợ các thiết bị dùng giao tiếp IDE. Không may, các bộ chuyển này không nổi tiếng vì năng lực nâng cấp của chúng, mà vì các rắc rối xảy đến khi người ta sử dụng chúng.
Trong trường hợp may mắn, bạn có thể chỉnh cho ổ đĩa của mình về chế độ Cable Select, rồi mọi thứ vẫn chạy tốt. Song với người khác, kể cả khi mọi thứ đã OK rồi, thì lần khởi động máy sau tất thảy lại không như ý muốn. Lời đề nghị được đưa ra là bạn hãy mua một ổ đĩa SATA thực sự. Hoặc nếu vẫn muốn dùng lại ổ đĩa IDE, hãy tìm mua chiếc mainboard nào còn hỗ trợ giao tiếp này. May thay là chúng vẫn có trên thị trường.
8. Card GeForce FX 5800 của NVIDIA
Sau khi ATI ra mắt chiếc card Radeon 9700 Pro huyền thoại, mọi người mong chờ đến lượt NVIDIA sẽ đánh một trận hào hùng bằng GeForce FX 5800.
Song thay vì là một sát thủ cho 9700 Pro, thì NVIDIA lại giới thiệu một chiếc card quá ồn, đến nỗi nó có biệt danh DustBuster, một sản phẩm chuyên để làm sạch (hút bụi) của hãng Black & Decker. Ngoài ra năng lực xử lý DirectX 9 từ chiếc card GeForce quá yếu kém khi chạy trên các ứng dụng hỗ trợ bộ API đồ hoạ đấy.
Phải tới khi GeForce FX 5900 Ultra ra mắt, mọi thứ mới tốt hơn, nhưng chiếc card mới vẫn kém hơn chiếc card mạnh nhất của ATI khi so về năng lực pixel shader. NVIDIA chỉ thực sự trở lại một cách chắc chắn với GeForce 6800.
9. Chân cắm tản nhiệt của Intel
Hãng này có thể sản xuất ra chiếc CPU nhanh nhất mà bạn mua được, nhưng một cơ chế cắm tản nhiệt thực sự chắc chắn cho CPU của họ vẫn là điều người ta đang mong đợi. Tính từ socket LGA 775 có từ 2004, các đầu cắm plastic dưới đế tản nhiệt của Intel vẫn khá dễ hỏng nếu bạn không cẩn thận khi gắn.
Trong khi đó với AMD, cơ chế cài và móc lại cực kỳ đơn giản nhưng chắc chắn (dù CPU của họ không nhanh bằng).
10. Bàn phím gaming G15 của Logitech
Phiên bản G15 đầu tiên mắc một lỗi mà nhiều người rất khó chịu : lớp sơn đen trên các phím có back-lit nhanh chóng bị phai màu sau một thời gian sử dụng, rồi sau đấy thì bạn rất khó phân biệt các ký tự. Lý do mà bạn vẫn thấy các chữ trắng trên các phím khác là vì chủ nhân của nó vẫn giữ nguyên các sticker sau khi mua về, song hiệu ứng ánh sáng thì không còn nữa.
Các tín đồ của Logitech đã hy vọng có thể mua được các phím để thay nhưng công ty này không đáp ứng điều đó. Bù lại thì Logitech vẫn hỗ trợ đổi lại các sản phẩm lỗi nhưng chỉ cho những ai có phàn nàn về sản phẩm và điều này chỉ có áp dụng trong thời gian đầu.
11. Card Radeon HD 2900 XT của ATI
Nếu NVIDIA có "huyền thoại" GeForce FX 5800, thì ATI cũng có những model Radeon "cùi bắp" tương ứng. Radeon HD 2900 XT là chiếc card DirectX 10 đầu tiên mà ATI tung ra thị trường hồi 2007.
Chiếc card mạnh nhất của ATI lúc bấy giờ này không vượt qua được địch thủ GeForce 8800 GTX, thậm chí còn thua cả model trung cấp GeForce 8800 GT. Nhưng chưa hết, cực ồn và ngốn điện là những thứ khiến cho HD 2900 XT được "nhớ mãi" trong cộng đồng đồ hoạ.
Về sau ATI thay đổi lại kiến trúc VLIW, bắt đầu từ dòng sản phẩm HD 3800, kiến trúc này mới dần dần toả sáng ở các dòng HD 4800 và 5800.
12. Card PhysX của Ageia
Tuy rất nhiều fan của NVIDIA luôn ca tụng về PhysX, thực tế nó lại được phát minh ra bởi Ageia hồi 2006. Và mặc dù phải tốn đến 300 USD cho chiếc card, vẫn có rất ít hiệu ứng vật lý thực sự thể hiện được trên một số ít tựa game lúc bấy giờ. Tốn kém là thế, nhưng chiếc card của bạn lại gần như vô dụng trong tương lai.
NVIDIA mua lại Ageia hồi 2008. Đến 2009, bộ driver PhysX do NVIDIA phát hành sẽ tự động tắt công nghệ này nếu nó nhận thấy có một chiếc Radeon nào đó trong hệ thống. Điều này có nghĩa chiếc card Ageia 300 USD kia hoàn toàn chẳng dùng vào gì được nếu bạn không gắn thêm chiếc card GeForce vào cạnh nó. Song bản thân chiếc card Ageia cũng không phát huy được gì nhiều vì vào thời điểm đấy, bộ SDK của NVIDIA đã bắt đầu cho phép xử lý PhysX trên các model GeForce.
Nhưng thứ kết liễu chiếc card Ageia là driver của NVIDIA. Đến 2010, hãng này ngưng toàn bộ mọi hỗ trợ với driver cho nhân PPU trên chiếc card. Bản thân PPU ngoài việc xử lý vật lý ra không còn có tác dụng gì khác thực sự đã chết hẳn từ lúc ấy.
13. Chip Phenom của AMD
Cũng tương tự Intel, bộ phận sản xuất chip xử lý của AMD cũng gây nhiều thất vọng. Con chip quad-core trên một die silicon đầu tiên có sức mạnh nhạt nhoà trước đối thủ Core 2 của Intel.
Thậm chí là Phenom còn phát sinh thêm lỗi liên quan tới bộ đệm trao đổi biên dịch (TLB) ngay khi vừa được phát hành vào 2007, khiến cho hệ thống crash trong vài trường hợp. Các NSX mainboard sau đấy đã cung cấp các bản sửa lỗi BIOS để khắc phục vấn đề, nhưng hiệu năng con chip lại suy giảm đi 10%.
AMD sửa lỗi trên khi ra mắt phiên bản B3. Tuy vậy thiết kế của chip này chưa bao giờ đuổi kịp được các chip Core 2 của Intel. AMD không có được sản phẩm nào cạnh tranh đúng nghĩa cho đến khi Phenom II xuất hiện trong 2008. Các model Phenom đầu tiên nhanh chóng bị loại khỏi thị trường.
14. Card mạng Killer dành cho game
Dòng card mạng Killer dành cho gamer dựa trên các thông số phần cứng rất ấn tượng, bao gồm một chip xử lý mạng của Freescale, một bộ nhớ RAM onboard và một gói phần mềm chuyên dụng để thay đổi các thiết lập mạng. Nhưng không có cải thiện nào khi chơi game để thể hiện, các kiểm nghiệm đã cho thấy điều ấy.
Trong tình huống tốt nhất, bộ phần mềm quản lý mạng có thể ưu tiên cho các gói tin về game đi trước các tiến trình khác, vốn có thể giúp giảm thiểu độ trễ khi bạn vừa đấu game online, vừa tải P2P trên cùng một mạng. Nhưng tại sao không tạm dừng việc tải các nội dung trước khi bạn bắt đầu tựa game ưa thích ? Thao tác đơn giản này có thể giúp bạn tiết kiệm bớt 300 USD so với giải pháp mà Killer mang đến.
15. Chip FX nền Zambezi của AMD
Đừng nhầm với các chip FX nền Sledgehammer, đấy mới là những con chip đáng tiền thực sự.
Dù mang cùng tên FX và bắt mọi người phải chờ đợi lâu, nhưng trên giấy tờ thì thiết kế của Zambezi trông rất tốt. Tiếc thay, trong lần xuất hiện đầu tiên vào 2011, hiệu năng của nó không ở mức người ta mong đợi. Mức tiêu thụ điện quá cao trong khi giá thành không thực sự hấp dẫn.
AMD lên kế hoạch cải thiện một vài chỗ trên các chip mới sẽ được phát hành dưới thương hiệu Phenom II. Còn Microsoft cho biết Windows 8 sẽ quản lý các module Bulldozer (kiến trúc của Zambezi) một cách hợp lý hơn. Và AMD tiếp tục hứa hẹn rằng phiên bản tiếp theo Bulldozer, có tên Piledriver, sẽ cho thấy các khắc phục này. Nhưng đến lúc này, hãy cứ hoài nghi về những gì AMD "hứa" sẽ đem lại.