Thông tin này do PGS-TS Trần Tiến Khai, Đại học Kinh tế TP HCM nêu ra tại tọa đàm "Chắp cánh hàng Việt" do Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam TP HCM tổ chức sáng 17-4.
Ông Trần Tiến Khai cho biết theo các nguồn thông tin tin cậy, hệ thống cung ứng thực phẩm tươi sống từ các doanh nghiệp (DN) thông qua chuỗi cung ứng từ nơi sản xuất đến hệ thống bán lẻ hiện đại là các siêu thị, cửa hàng riêng, cửa hàng tiện lợi đã bao phủ được khoảng 20% tổng lượng thực phẩm tươi sống bảo đảm an toàn thực phẩm cho TP HCM.
Trong khi đó, các kênh thực phẩm chợ truyền thống thông qua các chợ đầu mối và các chợ bán lẻ chiếm đến 80% lượng thực phẩm tươi sống nhưng chưa thể kiểm soát được an toàn thực phẩm.
Việc kiểm soát an toàn thực phẩm mặt hàng nông sản ở các chợ vẫn còn nhiều khó khăn
Từ các kết quả nghiên cứu của Đề án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP HCM và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" của TP HCM giao cho Đại học Kinh tế TP thực hiện, ông Khai chỉ ra rằng người tiêu dùng các vùng đô thị, trong đó có TP HCM ngày càng chọn lựa nhiều hơn các điểm mua bán hiện đại như siêu thị và cửa hàng tiện lợi vì tiện lợi, văn minh và bảo đảm tốt hơn về an toàn thực phẩm.
Cùng với đó là chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm an toàn, sẵn lòng trả giá cao hơn cho sản phẩm an toàn.
Mặc dù vậy, họ không quan tâm nhiều đến phương pháp sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất, quá trình lưu thông và bảo quản. "Người tiêu dùng TP thực sự chưa hiểu biết chắc về thực phẩm an toàn và dựa theo cảm tính chủ quan là chính" – ông Khai nói.
Về phía nhà sản xuất vẫn tồn tại quy mô nhỏ, sản xuất đơn lẻ, không liên kết hợp tác, thiếu đầu mối tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và sự không phân biệt giá sản phẩm của thương lái.
Các hệ thống phân phối và cơ quan quản lý Nhà nước TP HCM ký kết ghi nhớ tham gia, phối hợp triển khai chương trình "Chắp cánh hàng Việt"
Mặc dù vậy, người sản xuất có nhận thức là việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP sẽ cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trên 80% hộ nuôi trồng được khảo sát cho rằng Chính phủ nên bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vì có lợi cho xã hội nhưng đòi hỏi phải có chính sách, cơ chế để bảo đảm người sản xuất có lời.
Theo ông Khai, xu thế chung về tiêu dùng thực phẩm tươi sống hiện nay là cơ hội kinh doanh rất tốt cho DN sản xuất thực phẩm và DN bán lẻ.
Hai vấn đề mấu chốt cần phải giải quyết hiện nay là phát triển mở rộng chuỗi cung ứng thực phẩm với vai trò dẫn dắt, chủ động của các DN thực phẩm trong xây dựng và hình thành chuỗi liên kết cung ứng tiêu thụ hiệu quả, bền vững; sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các tỉnh thành nơi sản xuất nguyên liệu.