Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, tín dụng tiêu dùng cần được nhìn nhận như một giải pháp góp phần tích cực vào khả năng phục hồi kinh tế, một yêu cầu cần tập trung thúc đẩy.
Cần có chính sách hợp lý cho vay vốn tiêu dùng nhằm kích sức mua, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế
Thay đổi cách nhìn
Theo bà Nguyễn Thu Hà, nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank, dữ liệu cho thấy đến cuối năm 2012, dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam mới ở khoảng 230.000 tỉ đồng, chỉ chiếm 8% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu bóc tách 83% trong số đó là cho vay bất động sản, tỉ trọng cho tiêu dùng thực sự gắn với số đông người dân là rất nhỏ.
Trong quá khứ, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam từng trải qua giai đoạn “đóng băng”, như cuối năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu lan rộng. Cơ chế áp trần lãi suất cho vay đã hạn chế cơ hội vay vốn của các cá nhân. Tháng 12-2008, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, trong chương trình Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ, nhóm công tác ngân hàng đã từng quan ngại rằng trần lãi suất sẽ làm thui chột ngành tín dụng tiêu dùng còn non trẻ của Việt Nam trước khi nó đạt đến một khối lượng đủ lớn. Rồi trần lãi suất cho vay được gỡ bỏ nhưng đến năm 2012-2013, tín dụng tiêu dùng mới thực sự trở lại.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhận định kết nối được mối quan hệ giữa vốn tín dụng với sản xuất, tiêu dùng sẽ tạo vòng quay nhanh hơn, tăng hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả kinh tế. Mặt khác, khi tín dụng tiêu dùng còn hạn chế hay khả năng tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân, nhiều người dân phải tìm cách vay góp, chơi hụi với lãi suất cao, rủi ro lớn. Do đó, phát triển tín dụng tiêu dùng một cách hợp lý không những góp phần kích cầu, hỗ trợ thị trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn giảm thiểu những tiêu cực trong xã hội.
Lực đẩy đang lên
Cho đến nay vẫn chưa có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để tạo điều kiện thúc đẩy tín dụng tiêu dùng. Các chính sách kích cầu như gói 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất mua nhà chỉ là cá biệt hoặc hướng đến mục đích khác. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng thương mại đều có hướng đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân như một giải pháp cải thiện tăng trưởng tín dụng. Nhiều gói, chương trình quy mô từ 1.000 - 2.000 tỉ đồng liên tục được công bố từ đầu năm đến nay, gắn với chính sách ưu đãi lãi suất.
Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân Techcombank, đây là thời điểm thuận lợi để các ngân hàng tăng cường giải ngân, khi nguồn vốn khả dụng dồi dào, lãi suất cho vay đã giảm thấp và đặc biệt giá nhà đất, ô tô (nhóm nhu cầu chính của tín dụng tiêu dùng) đã có những điều chỉnh cần thiết để gần hơn với khả năng tiếp cận của nhiều người… Trên cơ sở này, Techcombank tung ra gói tín dụng tiêu dùng quy mô tới 4.000 tỉ đồng để tài trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn mua bất động sản, ô tô, tiêu dùng, xây sửa nhà và vay hộ kinh doanh, triển khai từ ngày 8-7 vừa qua. Đáng chú ý, chương trình này áp dụng lãi suất hấp dẫn, chỉ 5,99%/năm, trong 1 - 6 tháng đầu, tùy từng kỳ hạn khoản vay, cùng với ưu đãi thanh toán gốc và lãi linh hoạt.
Ngân hàng cam kết giảm tối đa 1%/năm lãi suất cho suốt kỳ vay so với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Khách hàng tham gia chương trình được ưu đãi lựa chọn không phải trả nợ gốc năm đầu hoặc tháng 2 hằng năm, tránh được áp lực sau khi dồn sức cho một kế hoạch tài chính lớn hoặc sau tháng cao điểm chi tiêu trong năm. Thêm vào đó, khách hàng có thể lựa chọn hình thức trả gốc tăng dần hoặc giảm dần phù hợp với kế hoạch thu nhập của gia đình.
Sau loạt triển khai các gói ưu đãi của các ngân hàng thương mại, dự kiến dư nợ tín dụng tiêu dùng từ nay đến cuối năm sẽ tăng mạnh hơn, góp phần cải thiện tốc độ tăng trưởng tín dụng chung.