Ở Việt Nam, ngành dầu khí còn khá non trẻ với nguồn nhân lực còn hạn chế nên năng lực cung cấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Nước ta chủ yếu xuất khẩu dầu thô, nhập khẩu dầu tinh phục vụ cho nhu cầu nội địa. Một số nhà máy lọc dầu đã đi vào hoạt động nhưng mới chỉ cung cấp được một phần nhỏ nhu cầu trong nước. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dầu mỏ ngày càng tăng, không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn do sự bùng nổ dân số, các ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, đặc biệt là sự tăng tốc của ngành giao thông do nhu cầu đi lại ngày càng nhiều...
Điểm chuẩn giảm
Theo số liệu thống kê của BP, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 28 trên tổng số 52 quốc gia trên thế giới có tài nguyên dầu khí. Tính đến hết năm 2013, trữ lượng dầu thô xác minh của Việt Nam vào khoảng 4,4 tỉ thùng, đứng thứ nhất trong khu vực Đông Nam Á, còn lượng khí xác minh của Việt Nam vào khoảng 600 tỉ m3, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Với lợi thế đó, xuất khẩu dầu thô luôn mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Từ cuối 2014 đến nay, cả thế giới bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của giá dầu thì Việt Nam cũng không ngoại lệ. Xuất khẩu dầu thô không còn mang lại nguồn thu lớn, ngành kỹ thuật dầu khí cũng chịu ảnh hưởng. TS Trần Anh Tú, Phó trưởng Khoa Địa chất - Dầu khí Trường ĐH Bách khoa
TP HCM, cho biết nhiều năm trước, nhiều học sinh giỏi chen chân vào ngành kỹ thuật dầu khí khiến cho điểm trúng tuyển vào ngành này luôn cao thì nay điểm trúng tuyển đã giảm mạnh. Nếu như năm 2015, điểm trúng tuyển vào nhóm ngành này là 24,5 thì năm 2016 xuống còn 20 - nằm trong nhóm những ngành có điểm trúng tuyển thấp ở trường.
Sự sụt giảm điểm trúng tuyển của nhóm ngành kỹ thuật địa chất - dầu khí được cho là chịu tác động của sự sụt giảm giá dầu trên thị trường thế giới. Chính sự lao dốc của giá dầu khiến cho việc xuất khẩu dầu thô của Việt Nam không còn là nguồn đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Điều này khiến cho nhiều học sinh lo ngại về cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Ngành dầu khí rất tiềm năng cho ứng viên đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Ảnh: PVG
Theo TS Trần Anh Tú, xét toàn bộ lịch sử thì giá dầu có những thời điểm lên - xuống. Có thể ở thời điểm này, giá dầu đang xuống nhưng 4 năm tới khi sinh viên ra trường thì giá dầu có thể sẽ khác. Với sinh viên ngành kỹ thuật dầu khí, cơ hội việc làm không chỉ gói hẹp trong nước mà có thể làm việc ở những công ty đa quốc gia. Do vậy, cơ hội việc làm không thiếu. Vấn đề là ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên cần chuẩn bị thật tốt khả năng tiếng Anh để có thể làm việc tốt trong môi trường quốc tế.
Thu nhập cao, đòi hỏi nhiều
Tại các nhà máy lọc hóa dầu, những người kỹ sư sẽ được làm việc trong môi trường tự động hóa hoàn toàn với những máy móc, thiết bị điện tử cực kỳ thông minh. Chẳng hạn để điều khiển quá trình lọc dầu, kỹ sư hóa dầu thường làm việc trong phòng điều khiển trên các tháp cao với những sơ đồ, hệ thống máy tính và bảng điều khiển hiện đại... Tất nhiên, điều này cũng không phải không có những phiền toái của nó. Bởi máy móc bao giờ cũng chỉ là máy móc. Chúng rất "cứng nhắc" và đòi hỏi bạn phải cực kỳ cẩn thận trong quá trình vận hành, xử lý. Nếu không cẩn thận, trong lúc điều khiển, chỉ một sai lầm tưởng nhỏ cũng có thể khiến toàn hệ thống gặp rắc rối, nhà máy mất đi hàng triệu USD.
Ngoài ra, điều kiện làm việc nghề này nhiều thử thách và áp lực cao khi kỹ sư dầu khí thường xuyên phải làm việc tại nhà giàn hay đi khảo sát dài ngày ngoài hiện trường, nhất là trên biển. Do đó, ngoài chuyên môn giỏi còn yêu cầu sức khỏe, thể lực tốt...
Để làm việc trong ngành dầu khí, nhà tuyển dụng đặt ra những yêu cầu cao cho các ứng viên. Đó là phải giỏi chuyên môn lẫn kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tổng hợp và phân tích thông tin.... Bên cạnh đó, thành thạo tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc. Đòi hỏi cao nên thu nhập cũng tương xứng. Với những kỹ sư trong nghề này, mức lương là hàng ngàn USD, thậm chí 10.000 USD/tháng.