Sẽ không quá ngạc nhiên nếu bạn nhìn thấy nhiều người già Nhật dù đã ở tuổi ngoài 60, 70 mà vẫn chăm chỉ đi học các kỹ năng, kiến thức như ngoại ngữ hay cắm hoa, ẩm thực Nhật. Bạn có thể nhìn thấy họ khắp nơi, từ thành phố đến các vùng nông thôn.
Đối với người Nhật, việc học là quá trình diễn ra cả đời, họ không quan tâm quá nhiều đến bằng cấp hay tiền bạc mà họ kiếm được từ việc học mà họ học với tình yêu tri thức thực sự.
Kết quả thống kê năm 2007 của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật (MEXT) cho thấy khoảng 90% sinh viên đại học Nhật dưới 24 tuổi, số lượng sinh viên nhiều tuổi rất ít. Thế nhưng điều đó không nói lên rằng người Nhật không đi học khi họ đã có tuổi.
Cũng theo Bộ Giáo dục Nhật, từ năm 2007, nước Nhật đã có gần 13 nghìn trung tâm cộng đồng và 230 nghìn lớp học với sự tham gia của hơn 10 triệu người, trong đó chủ yếu người già, số người tham gia tăng đều qua các năm.
Theo lý giải của Bộ Giáo dục Nhật, chính phủ Nhật muốn mang đến cơ hội học hành cho tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi trong xã hội, tăng cường tinh thần cộng đồng và khuyến khích thêm nhiều người tham gia vào các hoạt động xã hội.
Người Nhật luôn có tinh thần cầu tiến bất chấp già hay trẻ
Các lớp học kỹ năng, kiến thức được tổ chức với nhiều nội dung, chương trình khác nhau: hát truyền thống Nhật; khiêu vũ; yoga; nghệ thuật truyền thống Nhật như làm gốm,vẽ, cắt giấy; âm nhạc; ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Thái Lan, tiếng Pháp). Mỗi lớp được tổ chức tuần một lần hoặc một tháng mỗi lần.
Dù chỉ là những lớp học cộng đồng, không chứng chỉ, không bằng cấp nhưng người Nhật tham gia rất đều đặn, chăm chỉ qua năm tháng. Mối quan hệ giữa họ được hình thành và bền chặt qua nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ…cho đến khi họ quá ốm bệnh và qua đời. Kết quả các nghiên cứu về lớp học tập cộng đồng cho thấy nhìn chung thành viên không có nhiều thay đổi qua các năm.
Đặc biệt, có lớp học hát các bài hát truyền thống Nhật có lịch sử hoạt động đến 27 năm, nhóm này sau đó mở rộng hoạt động và hỗ trợ thành lập thêm nhiều nhóm nhỏ khác nữa. Không thể phủ nhận vai trò của những lớp học cộng đồng này trong việc củng cố quan hệ tình thân giữa các thành viên.
Một số nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát ý kiến của những thành viên tham gia, rất nhiều thành viên trả lời: "Nhiều khi tôi mệt không muốn đến lớp nhưng nghĩ rằng đến sẽ được gặp bạn bè và bạn tôi cũng đang ở đó nên tôi lại đến." Nhiều người khác lại nói khi đến câu lạc bộ, họ cảm giác như đến một gia đình. Mối quan hệ rất bền chặt qua các năm.
Chính những nhóm học tập và hoạt động cộng đồng như thế này, tinh thần học tập dù ở bất kỳ lứa tuổi nào trong xã hội Nhật cũng luôn được hâm nóng. Không chỉ giúp đỡ nhau trong việc học, các nhóm đồng thời tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện để giúp đỡ nhau trong chính người Nhật.
Các trung tâm cộng đồng tại Nhật được thành lập trong thời kỳ người Mỹ chiếm đóng Nhật sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Các trung tâm cộng đồng thời kỳ đó có thể được tổ chức tại một số nhà cũ trong khu dân cư nông thôn hoặc tại thành phố lớn. Người tham gia chỉ cần đóng khoản phí rất nhỏ dùng để duy trì lớp học.
Một khi chương trình được tổ chức, chính các thành viên sẽ tự chịu trách nhiệm về giờ giấc, lịch trình tham gia, quyết định hoạt động của lớp, tổ chức lớp học.
Không chỉ cùng học tập, các lớp học cộng đồng còn tổ chức nhiều chuyến dã ngoại với nhau. Ví như họ có thể cùng nhau đi ăn đồ ăn Thái Lan tại nhà hàng Thái, tổ chức những chuyến đi chơi mùa xuân đến nhiều địa điểm tại Nhật.
Người Nhật, dù già hay trẻ, luôn có ý thức rất rõ ràng về mục tiêu học hành suốt đời, bất chấp việc kinh tế và việc làm khó khăn. Từ thập niên 1990 khi kinh tế Nhật bắt đầu bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp, những tưởng khó khăn về kinh tế sẽ khiến người ta không còn quan tâm đến việc tăng cường học hành nhưng thực tế không phải vậy.
Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy suốt thập niên 1990 cho đến tận năm 2000, 74% người Nhật quan tâm đến việc học hành suốt đời. Chính quyền các tỉnh và địa phương cũng rất quan tâm phát triển các mục tiêu này.
Theo số liệu thống kê năm 2007, khoảng 8,5% ngân sách của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật (MEXT) hàng năm dành cho các trung tâm cộng đồng hỗ trợ cho hoạt động học tập suốt đời.
Và cứ mỗi 3 năm, chương trình học tập trọn đời của MEXT lại tiến hành khảo sát ý kiến của hàng nghìn thành viên đang tham gia chương trình để giúp nhìn nhận ra những vấn đề mà thành viên còn đang vướng mắc để giúp cải thiện chương trình tốt nhất có thể.