Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP HCM, cho rằng không thể phủ nhận có rất nhiều người vẫn thành công dù không học đại học (ĐH) và nhiều khi có bằng trung cấp, bằng nghề thậm chí còn dễ tìm việc hơn cử nhân. Thế nhưng, nếu người đã có bằng nghề, trung cấp, CĐ mà học liên thông lên ĐH thì cơ hội phát triển nghề nghiệp sẽ càng rộng mở vì hoàn tất trình độ này, kỹ năng làm việc được nâng cấp lên một tầm cao mới.
Khó cạnh tranh nếu không có bằng CĐ
Thạc sĩ Trần Anh Tuấn cho biết điều kiện tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) đang ngày càng khắt khe, đòi hỏi trình độ của người tham gia tuyển dụng và làm việc ngày càng cao. Làm được việc là tiêu chí tiên quyết để tuyển dụng nhưng nhân lực trình độ ĐH đang là nhóm nhân lực phát triển mạnh nhất. Nếu không kịp thời đầu tư nâng cao trình độ, trong thời gian tới, người lao động chưa có trình độ ĐH có nguy cơ khó cạnh tranh vị trí làm việc trên thị trường lao động. Với những người đã có bằng trung cấp, CĐ muốn nâng cao trình độ thì liên thông lên ĐH là con đường tất yếu.
Quy định học liên thông hiện đã thuận lợi hơn trước kia. Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH. Theo thông tư này, những thí sinh mới tốt nghiệp có thể dự thi liên thông ĐH ngay mà không cần điều kiện 36 tháng kinh nghiệm làm việc như trước đây. Quy định này đã mở rộng cơ hội cho những học sinh - sinh viên vừa mới tốt nghiệp CĐ và trung cấp chuyên nghiệp đang có nguyện vọng học tiếp lên ĐH.
Lấy bằng ĐH chỉ cần 3 năm rưỡi
Tháng 10-2016, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt khung trình độ quốc gia, trong đó thời gian đào tạo trình độ CĐ rút ngắn còn từ 2 đến 3 năm. Đây là cơ sở để các trường rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo.
TS Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết hiện nay các trường đều điều chỉnh, thiết kế lại chương trình sao cho khối lượng học tập tối thiểu còn 60 tín chỉ, rút ngắn thời gian đào tạo nhiều ngành chỉ còn 2 năm; những ngành như công nghệ, sức khỏe còn 2 năm rưỡi thay vì 3 năm như trước đây. Việc này rất có lợi cho sinh viên.
Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó trưởng Phòng Tổng hợp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết chương trình thời gian đào tạo liên thông ĐH cố định là 1 năm rưỡi. Đây là chương trình nhằm bổ sung những kiến thức cần thiết mà bậc CĐ chưa có. Hiện nay, đa số sinh viên ĐH hoàn tất chương trình đào tạo cũng thường mất 4 năm. Những sinh viên rút ngắn thời gian chỉ còn 3 năm rưỡi thường khá vất vã và đều là những sinh viên giỏi. Nhưng với việc họ liên thông, sinh viên (nhiều ngành) chỉ cần 3 năm rưỡi là hoàn tất chương trình một cách nhẹ nhàng.
Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy của Bộ GD-ĐT quy định năm 2017 Bộ GD-ĐT vẫn áp dụng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (gọi là điểm sàn) nhưng từ năm 2018 trở đi khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo cùng những thông tin quan trọng khác thì mỗi trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho trường mình. Với quy định này, nhiều khả năng từ 2018, tuyển sinh hệ liên thông ở nhiều trường chỉ cần xét tuyển.
Theo các chuyên gia giáo dục, cơ hội học liên thông lên ĐH rộng mở nhưng việc chọn trường tốt để học là vấn đề mà nhiều người học đắn đo. Vì lựa chọn được trường tốt để học, phù hợp nhu cầu của bản thân là điều kiện đầu tiên quyết định trình độ, kỹ năng làm việc khi tốt nghiệp.