Năm 2006, hẳn rất nhiều người còn nhớ khi trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện tin “ĐH FPT tuyển sinh khóa đầu tiên”. Ai đó tặc lưỡi: “Lại thêm một trường ĐH nữa”. Nhưng điều làm cho dư luận tò mò chính là phương châm đào tạo của ĐH FPT, trường ĐH nằm trong lòng doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Lãnh đạo ĐH FPT ngày đó dám khẳng định họ sẽ nhất quán đi theo con đường đổi mới giáo dục, “tự chủ ĐH”, một khái niệm còn mới cách đây 10 năm.
10 năm cháy bỏng khát vọng đổi thay
Ngày đó, những con người tâm huyết của FPT đã bày tỏ “mơ ước có một trường ĐH quy mô lớn nhất thế giới…, nơi chấp nhận mọi ý tưởng đổi mới để hướng về tương lai, nơi áp dụng một cách phù hợp các thành tựu tốt nhất của ngành giáo dục và đào tạo của các quốc gia tiên tiến, là mảnh đất của những sáng tạo liên tục và nơi rèn luyện nhân cách…”. Nhiều người phản đối, bởi họ cho rằng “viển vông, liều lĩnh”. Nhưng cũng có những nhà giáo dục sẵn sàng ủng hộ ý tưởng này như GS Hồ Ngọc Đại, GS Hoàng Tụy, cố GS Nguyễn Văn Đạo...
Sau 10 năm phát triển, Trường ĐH FPT chính thức đào tạo 14 ngành ĐH chính quy và 2 ngành sau ĐH. Hiện trường đang đào tạo 19.563 sinh viên các hệ cùng hơn 1.400 cán bộ giảng viên.
Tỉ lệ việc làm của trường cũng đạt được con số ấn tượng. 98% sinh viên ĐH FPT có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức lương bình quân khoảng 8,3 triệu đồng/người/tháng, 31% sinh viên làm việc ở FPT sau khi tốt nghiệp; 4,5% sinh viên khởi nghiệp, trong đó nhiều sinh viên đã đạt được các giải thưởng khởi nghiệp quốc gia và quốc tế ; 9,8% sinh viên sau khi tốt nghiệp trở thành lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp; 15% sinh viên ra trường làm việc, học tập tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, sinh viên Trường ĐH FPT cũng đã được xướng tên trên bảng vàng thành tích tại các đấu trường trí tuệ tầm cỡ Việt Nam và thế giới, như ACM/ICPC, Siêu Cúp Olympic Tin học sinh viên Việt Nam, giải thưởng Nữ sinh CNTT Việt Nam, đạt giải Quả cầu vàng Việt Nam...
Những thành tích đáng trân trọng này đã đánh dấu chặng đường 10 năm tiên phong trên con đường đổi mới giáo dục của ĐH FPT, cũng đã bước đầu khẳng định “khát vọng đổi thay” mà các nhà tri thức gửi gắm vào ngôi trường này đang dần được hiện thực hóa từng ngày.
Trang bị năng lực cạnh tranh toàn cầu cho người học
Hiệu trưởng đầu tiên của ĐH FPT, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT Lê Trường Tùng đã từng khẳng định: “ĐH không thể đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu!”. Một trong những sứ mệnh cốt lõi của ĐH FPT không chỉ là quốc tế hóa giáo dục mà còn tạo được cho sinh viên của trường sự sẵn sàng làm việc ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Để toàn cầu hóa giáo dục, ngoài việc chuẩn bị nền tảng tiếng Anh vững chắc cho sinh viên, 3 chữ “giáo” quan trọng nhất đã được ĐH FPT xây dựng hướng đến chuẩn quốc tế bao gồm: giáo khoa, giáo trình và giáo viên. 100% giáo trình chuyên ngành của ĐH FPT đều được nhập từ nước ngoài với bản quyền mua từ các nhà xuất bản nổi tiếng nhằm cập nhật những kiến thức mới và hiện đại nhất cho sinh viên. Chương trình đào tạo tuân theo chuẩn mới nhất của quốc tế cho từng chuyên ngành. Đội ngũ giảng viên cũng bao gồm cả giảng viên nước ngoài. Việc dạy và học theo chuẩn quốc tế nhằm giúp sinh viên dễ dàng tham gia các chương trình trao đổi tại nước ngoài, cũng như tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế đến học tập tại trường mà không gặp phải trở ngại nào dù là ngôn ngữ hay kiến thức.
Không chỉ rèn luyện kiến thức, 100% sinh viên còn được tiếp xúc với các giá trị truyền thống dân tộc như bộ môn Vovinam (Việt võ đạo), được học nhạc cụ dân tộc bởi lẽ phải hiểu văn hóa nước mình thì mới hội nhập được khi ra toàn cầu. Bên cạnh đó, các em cũng được tạo điều kiện phát triển bản thân, trang bị kỹ năng sống thiết yếu cũng như các kỹ năng mềm hỗ trợ công việc sau này.
Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ! Cần phải tạo được một môi trường quốc tế để cho dù học trong nước nhưng sinh viên có thể được trang bị đầy đủ năng lực để cạnh tranh toàn cầu.
ĐH FPT tìm mọi cách để sinh viên nước ngoài sang học tại Việt Nam, cũng như đưa sinh viên Việt Nam sang học tập tại nước ngoài. Tính đến nay, trường đã đào tạo 790 sinh viên quốc tế, trong đó có 140 sinh viên hệ dài hạn và 650 sinh viên hệ ngắn hạn, đến từ các quốc gia như Lào, Nigeria, Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Pháp, Đức, Mỹ... Đã có 291 sinh viên được sang nước ngoài theo các chương trình hợp tác, trao đổi sinh viên. Với sứ mệnh “góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước”, ĐH FPT đã đẩy mạnh quy mô hợp tác quốc tế với 58 đối tác tại 23 quốc gia trên toàn cầu.
Sau chặng đường 10 năm với những bước chân đi khắp năm châu, ĐH FPT lại đang nuôi một ước mơ “liều lĩnh”, đó là “trở thành điểm sáng trên bản đồ du học, góp phần xuất khẩu giáo dục Việt Nam ra thế giới”.
Tổ chức giáo dục của tương lai
Năm 2013, Trường ĐH FPT vinh dự được trao chứng nhận và trở thành trường ĐH đầu tiên của Việt Nam được công nhận xếp hạng quốc tế 3 sao theo chuẩn QS Stars. Năm 2015, trường tiếp tục được tổ chức giáo dục quốc tế QS xếp hạng 3 sao, trong đó 4 tiêu chí quan trọng gồm: Đào tạo, cơ sở vật chất, việc làm sinh viên và hoạt động xã hội của Trường ĐH FPT được điểm tối đa 5 sao. Đây chính là một trong những dấu mốc đáng nhớ nhất của ĐH FPT, khẳng định triết lý giáo dục từ ngày đầu đã mang lại hiệu quả. Đánh giá này đã cho thấy thành quả từ những nỗ lực miệt mài của ĐH FPT nhằm đưa chất lượng dạy và học tiệm cận hơn với giáo dục toàn cầu.
Đối với một ngôi trường ĐH, 10 năm mới là bước khởi đầu non trẻ. Khát vọng ngày nào của những nhà sáng lập chỉ mới được hiện thực hóa phần nào và vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Mới đây, trong buổi ra mắt Tổ chức giáo dục FPT và công bố chiến lược phát triển 10 năm tiếp theo, lãnh đạo FPT đã chỉ rõ con đường hiện thực hóa khát vọng đổi thay ấy.
“Điểm khác biệt quan trọng nhất trong chiến lược lần này là sự dịch chuyển từ việc chủ yếu tập trung phát triển thương hiệu Trường ĐH FPT sang xây dựng và phát triển một tổ chức giáo dục gồm nhiều trường theo tiêu chí Mega và có khả năng đạt quy mô lớn. Việc có đầy đủ các cấp học, theo cùng một triệt lý giáo dục, có cùng một sứ mệnh và dựa trên một mô hình đào tạo đồng nhất của tổ chức giáo dục FPT sẽ giúp người học có nhiều lựa chọn và hỗ trợ định hướng học tập tốt hơn” - ông Lê Trường Tùng cho biết.