Từ cuộc thi lần này, với trên 12.000 bài dự thi, gần 5.000 bài giảng điện tử đã được đưa vào kho e-Learning quốc gia để phục vụ nhu cầu học tập, tham khảo của giáo viên, học sinh. Để có được thành quả đó là cả một hành trình dài, bắt đầu từ hơn 10 năm trước.
Từ cuộc thi nhỏ đến tầm quốc gia
Tháng 4-2006, sau nửa năm thành lập, Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting với mong muốn hỗ trợ ngành giáo dục Việt Nam đã đề ra chương trình "Tiến bước cùng IT", nhằm góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trường học. Trước thực trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị của ngành IT vào thời điểm ấy, Quỹ Lawrence S. Ting thực hiện bước đi đầu tiên là trao tặng phòng máy vi tính cho các trường. Từ năm 2006 đến 2009, Quỹ Lawrence S. Ting đã trao tổng cộng 122 phòng máy với gần 3.000 máy vi tính đến 96 trường trên cả nước, tổng giá trị trên 37 tỉ đồng.
Sau bước đi đầu tiên, để các phòng máy được trao tặng khai thác hiệu quả một cách tối đa và xa hơn là để thúc đẩy sử dụng công nghệ thông tin trong trường học, Quỹ Lawrence S. Ting phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning cấp quốc gia. Ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting, nhớ lại: "Ban đầu, chúng tôi dự định chỉ thử nghiệm tổ chức cuộc thi với quy mô nhỏ, tại một số trường ở TP HCM hoặc chỉ dành cho khối THPT. Tuy nhiên, sau khi được sự ủng hộ và tư vấn của Bộ GD-ĐT, đặc biệt là Cục Công nghệ thông tin, chúng tôi đã mạnh dạn nâng tầm cuộc thi lên cấp quốc gia và mở rộng ra cho cả 3 cấp học".
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa và ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting, trao giải cho các giáo viên trong cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning lần 4
"Trái ngọt" mùa thứ tư
Những bước đi bài bản, khoa học đã đem lại hiệu quả tích cực cho chương trình "Tiến bước cùng IT". Sau khi được Quỹ Lawrence S. Ting tài trợ phòng máy vi tính, Trường THPT Đại Từ (Thái Nguyên) đã thoát được cảnh "dạy chay" các giờ tin học. Những bộ môn khác cũng bắt đầu tiếp cận và làm quen với việc sử dụng máy vi tính trong việc dạy và học. Đến khi Bộ GD-ĐT cùng với Quỹ Lawrence S. Ting phát động cuộc thi e-Learning thì phong trào ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên trong trường sôi động hẳn lên. Trường THPT Đại Từ liên tiếp đạt được giải cao trong 3 lần gần đây của cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning. Riêng ở lần thứ 4 này, trường đoạt 1 giải nhất cá nhân và 1 giải tập thể là một sự tự hào rất lớn. "Tuy nhiên, tỉ lệ 100% giáo viên của trường đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy mới thật sự là kết quả lớn hơn, đó cũng chính là thành công mà chương trình "Tiến bước cùng IT" đã mang đến cho trường" - thầy Trần Văn Hưng, hiệu trưởng, nhận xét.
Là một giáo viên dạy văn với kinh nghiệm trên 20 năm đứng lớp, cô Nguyễn Nữ Khánh Hương - Trường THPT Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc - chia sẻ. "Ngày đó, mình cứ nghĩ phương pháp dạy của mình là tối ưu rồi. Cho đến khi cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning được triển khai, tôi mới bắt đầu tìm hiểu về phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Thấy được hiệu quả của e-Learning, tôi trang bị thêm cho mình những kiến thức về vi tính, cách sử dụng các phần mềm trong giảng dạy. Và thành tích hôm nay là trái ngọt của quá trình như thế". Cô Nguyễn Nữ Khánh Hương và đồng nghiệp của mình là cô Đào Thị Thanh Huyền đã xuất sắc đoạt giải nhất ở cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning lần 4 với bài giảng e-Learning tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao.
Câu chuyện tự giác nâng cao nghiệp vụ cho phù hợp với sự đổi mới trong ngành giáo dục của thầy Hưng, cô Hương, cô Huyền... chính là những trái ngọt mùa thứ 4 mà cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử e-Learning "thu hoạch" được sau một hành trình dài dày công chăm bón.