GS Việt kiều Trần Văn Thọ đã ví như vậy trong buổi gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhật vào đầu tháng 6 vừa qua. Quả thật, số du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đông nhất, lên tới 38.000, chiếm 29,2% trong số 130.000 công dân Việt Nam đang học tập ở nước ngoài. Đó là thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Báo cáo một số vấn đề giáo dục mà Chính phủ trình lên Quốc hội ngày 18-10-2016. Kế tiếp mới đến Úc với khoảng 31.000 và Mỹ với khoảng 28.000 sinh viên.
Nhiều ưu điểm
Du học Nhật Bản đang là xu thế vì có nhiều ưu điểm. Trong đó phải kế đến các điểm thu hút nổi bật sau đây:
Về tài chính, học phí các trường tại Nhật rẻ hơn so với các nước phát triển khác như Mỹ, Úc, Anh nhưng chất lượng giáo dục lại tương đương. Thêm vào đó, sinh viên có thể vừa đi học vừa đi làm với giờ làm thêm lên đến 28 giờ/tuần. Phương thức này phù hợp với các đối tượng vừa mong muốn có một nghề nghiệp vững chắc vừa có thu nhập ngay khi đặt chân đến Nhật, giảm một phần gánh nặng tài chính cho gia đình.
Các học sinh học giỏi hoặc giỏi tiếng Nhật cũng là đối tượng của nhiều loại học bổng. Từ học bổng của Chính phủ, các tổ chức và của các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp. Các trường sẽ xây dựng chế độ học bổng dành cho học sinh của trường cũng như thực hiện chế độ miễn giảm học phí (một phần hoặc toàn bộ tiền nhập học và học phí).
Ngoài ra, điểm thu hút nhất của du học Nhật Bản chính là cơ hội tìm việc làm tại Nhật với mức lương cao. Bởi vì, dân số Nhật đang già đi, các ngành nghề đều khát nhân lực và người Nhật cũng tìm thấy ở người Việt Nam một điểm chung nào đó mà họ cảm thấy thích. Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong số ít các nước có đông người sinh sống tại Nhật Bản với 200.000 người.
Hơn nữa, yêu cầu để du học Nhật Bản không quá khắt khe. Chưa bao giờ Nhật Bản lại mở rộng cánh cửa chào đón rất nhiều đối tượng ở nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề khác nhau đến học tập và sau đó ở lại tìm việc làm. Nhiều trường còn có phần tiếng Việt trên trang web để tiện lợi cho học sinh tìm hiểu thông tin du học. Có được cơ hội này là do giáo dục Nhật Bản đang đứng trước yêu cầu quốc tế hóa, mục tiêu thu hút cho được 300.000 du học sinh quốc tế cho đến năm 2020...
Khó từ phút ban đầu
Dù có nhiều ưu điểm như trên nhưng du học Nhật Bản không hề "dễ nuốt". Điều đầu tiên ngăn cản ước mơ của nhiều học sinh chính là tiếng Nhật. Chìa khóa vàng của việc "săn" được học bổng, miễn giảm học phí, tìm việc làm thêm cũng như du học Nhật Bản thành công chính là vốn tiếng Nhật. Nhưng tiếng Nhật không hề dễ học với người không kiên nhẫn. Nên nếu quyết tâm du học thì phải tìm mọi cách để vượt qua cửa ải này.
Khi đạt được tiếng Nhật đủ để du học, học sinh còn trải qua cửa ải làm hồ sơ du học. Do nhiều giấy tờ bằng tiếng Nhật nên du học sinh phải nhờ qua trung tâm tư vấn du học. Trong thực tế, có nhiều trung tâm do nghiệp vụ yếu, có "phết" trong vấn đề làm hồ sơ nên hồ sơ của các đơn vị này dễ bị phía Nhật đánh rớt. Ví dụ đi Nhật, người bảo lãnh phải chứng minh tài chính có 500 triệu đồng gửi trong ngân hàng. Nhưng khi phía Nhật gọi điện hỏi người bảo lãnh thì người ấy lại không biết tiền gửi ngân hàng nào?... Trường hợp này chắc chắn bị đánh rớt. Khi đó, học sinh phải chạy tìm đơn vị khác để làm lại hồ sơ nhưng chi phí lại đội lên cao, lại phải chịu tốn kém thêm vài chục triệu đồng. Chưa kể nhiều trường hợp rất khó để làm lại hồ sơ, như trường hợp không biết ngân hàng gửi tiền kể trên, đành chấp nhận mất tiền, bỏ dở giấc mơ du học.
Khi sang đến Nhật rồi, nhiều bạn ham kiếm tiền nên lao vào làm thêm, dẫn đến học hành không hiệu quả, phải đóng tiền học lại mà học phí còn cao hơn cả số tiền làm thêm kiếm được. Có bạn thì làm quá giờ quy định dẫn đến không được cấp visa để ở lại Nhật học tiếp mà phải về nước dở dang việc học…
Cũng không ít bạn có khi vô tình bị lôi kéo vào làm việc xấu, làm ảnh hưởng đến các bạn du học sinh. Ở Nhật, người ta bày hàng hóa tận ngoài đường và không có người trông coi. Nhưng nếu lấy đồ không trả tiền thì khi bị bắt chỉ còn một con đường duy nhất là về nước và không thể trở lại Nhật...