Chính phủ Nhật Bản hồi năm ngoái bắt đầu mở cửa lĩnh vực điều dưỡng cho người nước ngoài và 300 học viên Việt Nam là nhóm đầu tiên tới nước này - dự kiến vào cuối năm 2017 - sau quyết định trên.
Dỡ bớt rào cản
Thị trường lao động Nhật Bản đang khá u ám, chủ yếu do dân số vừa già hóa vừa giảm xuống. Tình hình đặc biệt nan giải trong lĩnh vực điều dưỡng. Sách trắng của chính phủ Nhật Bản xuất bản hồi tháng 5 vừa qua tiết lộ nghề điều dưỡng sẽ thiếu tới 370.000 người vào tài khóa 2025, trong đó chỉ riêng thủ đô Tokyo thiếu 35.800 người.
Quyết định cho phép đào tạo người nước ngoài làm điều dưỡng ở Nhật vì thế trở thành một cái phao cứu sinh. Tsukui, một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực điều dưỡng, đặt mục tiêu đào tạo xong 150 học viên Việt Nam và phân công họ tới các bệnh viện, viện dưỡng lão... vào cuối năm nay. Sau Việt Nam, chương trình trên của chính phủ Nhật dự kiến mở rộng cho học viên đến từ Thái Lan, Lào và những nơi khác ở châu Á. Cụ thể, Công ty Gakken Cocofump đã lên kế hoạch chào đón tổng cộng 120 học viên người Myanmar, Trung Quốc, Philippines... từ nay tới năm 2020.
Nhật Bản từng thực hiện nhiều chương trình tương tự thông qua các thỏa thuận đối tác kinh tế song chỉ nhận điều dưỡng đến từ Indonesia, Philippines, Việt Nam và với số lượng hạn chế - chỉ có 2.700 người trong hơn 9 năm (tính tới tháng 10-2016). Trở ngại lớn nhất nằm ở đòi hỏi phải thông thạo tiếng Nhật. Và đây cũng là thử thách đầu tiên mà các học viên trong chương trình hiện nay phải vượt qua.
Các học viên điều dưỡng người Việt Nam đang được tập huấn Ảnh: NIKKEI
Theo tạp chí Nikkei, chính phủ Nhật dự tính ra mắt kỳ thi dành riêng cho các điều dưỡng từ tài khóa 2018. Bên cạnh việc nghe nói tốt, các học viên cũng phải viết thành thạo, kể cả kanji (tức Hán tự) - một yêu cầu cực kỳ "khó nhằn" với nhiều người. Kỳ thi nói trên còn tập trung kiểm tra kiến thức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm nắm vững các thuật ngữ nghề nghiệp bằng tiếng Nhật.
Mở cửa thêm ngành nghề
Giúp việc nhà cũng là ngành nghề vừa được Nhật Bản mời gọi người lao động nước ngoài, dù mới giới hạn ở 3 tỉnh Tokyo, Kanagawa và Osaka. Sáu công ty mới được cấp phép để cung cấp người giúp việc nước ngoài cho các gia đình Nhật Bản, với kế hoạch đạt con số 2.500 người vào năm 2021. Trong khi Công ty Nichii Gakkan dự kiến tăng số nhân viên nước ngoài lên 1.000 người vào tài khóa 2019 thì Tập đoàn Pasona phấn đấu đạt cùng con số trên vào năm 2020. Trong 3 năm tới, Công ty Bears định tiếp nhận 300 người giúp việc nước ngoài, Công ty Poppins ấn định số người là hơn 100, còn Duskin lên kế hoạch thuê khoảng 100 người nước ngoài trong vòng 5 năm. Trong khi đó, công ty đặt trụ sở ở Tokyo là Pinay International có chiến lược cung cấp dịch vụ giúp việc nhà do các thường trú nhân người Philippines đảm nhận.
Nikkei cho hay kể từ cuối năm 2015, người giúp việc nước ngoài được các công ty thuê làm nhân viên dài hạn và được trả lương ngang đồng nghiệp Nhật. Còn theo Kyodo, công việc của họ bao gồm nấu ăn, giặt ủi, lau dọn, mua sắm và chăm sóc trẻ nhỏ. Tiêu chuẩn được đặt ra là từ 18 tuổi trở lên, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm giúp việc nhà và sử dụng tiếng Nhật cơ bản. Sau khi trải qua ít nhất 200 giờ huấn luyện, họ có thể ở Nhật tối đa 3 năm, làm việc toàn thời gian và được cung cấp chỗ ở.
Dịch vụ giúp việc nhà ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người Nhật Bản yên tâm làm việc, giữa lúc nước này đang chật vật duy trì tăng trưởng kinh tế nhưng dân số lại suy giảm. Ngành công nghiệp này dự kiến đạt lợi nhuận 600 tỉ yen (5,27 tỉ USD)/năm, gấp 6 lần quy mô hiện nay, một phần do phụ nữ Nhật đi làm nhiều hơn và kéo thu nhập gia đình tăng lên. Theo Nikkei, nhu cầu thuê người giúp việc nước ngoài của người dân Nhật đang tăng lên, dẫn đến thực tế cầu đã vượt cung. Hiện các doanh nghiệp Nhật cần chính phủ mở rộng các khu vực kinh tế đặc biệt - trong đó được thuê người giúp việc nước ngoài hoặc được hỗ trợ các chi phí như dạy ngôn ngữ.