Sosuke Hanyu chọn Việt Nam làm điểm mở rộng hoạt động sản xuất lúa gạo của gia đình sau cơ duyên gặp ông Nguyễn Thế Mạnh (người Thái Bình) đã kết nối để Sosuke hợp tác với những người nông dân ở đây. Cả hai đều có chung mong mỏi, có thể mở rộng vùng trồng lúa ở Việt Nam, cũng như giúp cho người dân Thái Bình có cuộc sống sung túc hơn.
Năm ngoái, ông bắt đầu trồng thử nghiệm với 2ha lúa, và đến năm nay, diện tích vùng trồng đã là 150ha. Hàng tháng, Hanyu đưa những kỹ sư tài năng của Đại học Nagoya và Đại học Tokyo sang trao đổi trực tiếp với người dân Thái Bình. Và hàng ngày, nếu có bất thường phát sinh, các kỹ sư Nhật Bản sẽ trao đổi qua tin nhắn với các nông dân, kịp thời đưa ra lời khuyên cho những vấn đề liên quan đến sâu bệnh, hay thời tiết.
Theo Sosuke Hanyu, hiện tại, các giống lúa anh mang sang chưa phù hợp với thổ nhưỡng ở Việt Nam nên sản lượng và chất lượng chưa đạt kỳ vọng. Nguyên nhân là do chế độ bảo quản thóc ở Việt Nam thường ở nhiệt độ thường, dễ bị chuột bọ tấn công, trong khi ở Nhật Bản, thóc luôn được bảo quản ở kho lạnh, giữ độ tươi mới. Sosuke tự tin sẽ tìm ra giải pháp với kinh nghiệm làm nông nhiều thế hệ.
Hanyu dự kiến sẽ trồng thử nghiệm nhiều giống lúa khác của Nhật ở Việt Nam. Nếu việc thử nghiệm ở Thái Bình cho kết quả tốt và có đủ dữ liệu phân tích về sự thích nghi, công ty của anh sẽ mở rộng vùng trồng ra các tỉnh khác.
Tham vọng lâu dài của Hanyu là trồng được loại gạo Nhật chất lượng ở Việt Nam để sản xuất rượu sake. Nhật Bản có nhiều loại gạo khác nhau và tiêu chuẩn sản xuất sake rất nghiêm ngặt. Hiện tại, Hanyu đã đưa gạo trồng từ Việt Nam về Nhật thử sản xuất sake. Nếu thành công, anh sẽ là người Nhật đầu tiên có cơ hội sản xuất sake ở nước ngoài. Tuy nhiên, để xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam, ngoài chất lượng lúa còn cần dòng nước tinh khiết, không phải nước máy hay nước lọc thông thường. Anh hy vọng sớm tìm được nguồn nước phù hợp ở Việt Nam.