Với việc đưa việc quản lý “Trò chơi điện tử trên mạng” vào chương IV nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng số 72/2013/NĐ – CP, được Chính phủ ban hành vào ngày 15-7-2013 và có hiệu lực từ 1-9-2013 tới, các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online) tại Việt Nam cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm khi game online được cấp phép trở lại.
Điều khiến doanh nghiệp game vui mừng ở nghị định 72/2013/NĐ-CP là game online được cấp phép trở lại. Ảnh: Internet
Tại chương IV của nghị định đã phân loại trò chơi điện tử như sau: Theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ, trò chơi điện tử được phân loại theo kí tự G1, G2, G3 và G4, cụ thể, trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1); Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là G2); Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là G3); Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là G4). Và cách phân loại thứ hai là phân loại theo độ tuổi của người chơi phù hợp với nội dung kịch bản của trò chơi.
Theo đó, các trò chơi thuộc G1 sẽ được Bộ TT&TT cấp phép và các trò chơi G2, G3, G4 phải có giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và thông báo cung cấp dịch vụ đối với từng trò chơi điện tử.
Với những quy định như trên, có thể nói trò chơi trực tuyến (G1) sẽ chuẩn bị được cấp phép trở lại khi nghị định có hiệu lực từ 01/09/2013 tới. Đây là điều doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến cảm thấy vui mừng nhất. Bởi từ tháng 8/2010, trước những tiêu cực do game online gây ra cho xã hội, Bộ TT&TT đã hạn chế cấp phép game online ở Việt Nam và chỉ cấp phép cho những game có nội dung truyền bá lịch sử, văn hóa và giáo dục.
Doanh nghiệp game trong thời gian qua muốn tồn tại không còn cách nào khác là chấp nhận vi phạm pháp luật, để đưa các game không phép ra thị trường trong nước. Và theo thống kê đến thời điểm hiện tại số lượng game không phép lên tới 200 game và theo Thanh tra Bộ TT&TT, khi thanh tra, kiểm tra 100% doanh nghiệp đều vi phạm và thậm chí có cả doanh nghiệp đã bị khởi tố như Sunsoft.
Ông Phan Sào Nam, Chủ tịch VTC Online, tại hội thảo nâng cao hiệu quả quản lý trò chơi trực tuyến do Bộ TT&TT tổ chức vừa qua đã cay đắng “ví von” rằng doanh nghiệp game đã phải chờ đợi 22.500 năm, mới được cấp phép trở lại như quy định tại nghị định 72/2013/NĐ – CP.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, việc cấp phép game online trở lại sẽ không dễ cho tất cả các doanh nghiệp và theo các chuyên gia trong ngành game nhận định, thực tế nghị định siết chặt hơn và nhiều giấy phép con hơn. Các doanh nghiệp kinh doanh game nhỏ sẽ khó đáp ứng được các yêu cầu đưa ra từ cơ quan chức năng và nhiều doanh nghiệp sẽ có nguy cơ “đóng cửa” do không đủ điều kiện để được cấp phép game, còn nếu phát hành game không phép khi nghị định đã có hiệu lực chắc chắn sẽ vi phạm pháp luật và khả năng bị xử lí hình sự cũng rất cao.
Bên cạnh đó, một áp lực rất lớn cũng sẽ đến với ngành game nói chung và các doanh nghiệp game nói riêng trong thời gian tới, khi nghị định cũng quy định việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp trò chơi điện tử ở thị trường trong nước với điều kiện chỉ phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam và tuân thủ các quy định của nghị định cũng như quy định về đầu tư nước ngoài.
Với việc đưa ra quy định này, các doanh nghiệp game lớn đến từ Trung Quốc như KoramGame, Công ty cổ phần tuyệt phẩm (Chang You), Lemoon Game…hay hàng loạt doanh nghiệp lớn làm game của nước này chắc chắn sẽ đẩy mạnh hoạt động ở thị trường Việt Nam, bởi nguồn lợi từ game quá lớn (doanh thu ngành game năm 2012 là 6.000 tỉ đồng). Việc có nguồn game tự sản xuất được với rất nhiều game chất luợng cao, game “khủng”, bên cạnh đó nguồn lực tài chính dồi dào, các doanh nghiệp game nước ngoài này sẽ dễ dàng thống trị thị trường trong nước khi họ được phép kinh doanh một cách đường đường chính chính, và game của mình phát hành sẽ được cấp phép ở thị trường Việt Nam.