Bởi vậy, dư luận đang trông đợi một chiến dịch tổng thể của cơ quan chức năng để chấm dứt tình trạng này. Nếu không, cuộc thanh tra sẽ chỉ là ném đá vào ao dầy đặc những bèo…
Người chơi không nên dùng game lậu bởi sẽ bị mất tài khoản khi doanh nghiệp bị cơ quan chức năng xử lý. (Ảnh minh họa: Thanh Giang/TTXVN)
Đồng thời biến "sân nhà" thành cuộc chơi riêng của game lậu, đồng nghĩa với "cáo chung" các nhà sản xuất game, công nghệ nội dung nội để để các game ngoại nhập không thể kiểm soát được nội dung nhởn nhơ kiếm tiền từ các khách hàng Việt- chủ yếu là giới trẻ, nếu không muốn nói là rất trẻ, thậm chí là trẻ con!
Game lậu thắng trên "sân khách"
Trước tính hai mặt của game online, cuối năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo tạm dừng thẩm định nội dung game online, chờ văn bản mới và cho tới hiện tại vẫn… chưa thấy đâu.
Con số được ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đưa ra trong một cuộc hội thảo mang tên “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến” diễn ra tại Bộ Thông tin và Truyền thông hồi năm 2013, thì Việt Nam có 117 game online được cấp phép, nhưng đã có tới hơn 1/3 trong đó - 44 trò chơi ngừng hoạt động.
Điều này đồng nghĩa với việc, cho tới tháng 4-2014, số game chính thức được cấp phép đang hoạt động còn ít hơn con số 73.
Ngay ở con số 73 đó thì chính ông Cục trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, các game online đã được cấp phép không hấp dẫn nhiều người tham gia. Trong khi đó, các game lậu đều có hình ảnh đánh nhau, đậm chất bạo lực, hình ảnh các nhân vật được tạo khêu gợi, hấp dẫn… thu hút mạnh các game thủ vừa ở sức kịch tính, vừa ở khía cạnh giải trí.
Đại diện của VNG, ông Lê Hồng Minh thẳng thắn cho rằng trong bối cảnh Internet phát triển, việc thanh toán trực tuyến sẽ không có sự phân biệt giữa Việt Nam và thế giới. Bằng cách này hay cách khác, các doanh nghiệp game nước ngoài tham gia vào thị trường, trong khi doanh nghiệp trong nước lại bị quản lý chặt chẽ khiến “không biết hoạt động kiểu gì.”
Việc này vô hình chung đã dẫn đến việc các doanh nghiệp game Việt thua ngay trên sân nhà, cho dù trước đó những game của VNG, FPT, VTC… đang làm mưa làm gió, thu hút đông đảo cộng đồng game thủ.
Đại diện của các doanh nghiệp game khi ấy đều than rằng, khi Bộ Thông tin và Truyền thông ngưng cấp phép game online mới, đơn vị của họ không tiến mà chỉ… lùi. Bởi vậy, họ trông chờ Nghị định 72 ra đời, có quy định rõ hơn về game online và căn cứ vào đó cơ quan chức năng sẽ ra Thông tư hướng dẫn, để game online được cấp phép trở lại.
Nhưng cho dù Nghị định có hiệu lực từ 1-9-2013 thì đến thời điểm này, Thông tư liên quan tới nội dung game online vẫn chưa được ban hành.
Siết để quản, đừng siết để... giết
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hạn chế tối đa game lậu, để kết quả cuộc thanh tra thực sự có ý nghĩa, chứ không phải dừng lại ở hình phạt và không răn đe được các doanh nghiệp làm trái pháp luật.
Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông cần ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 72. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ cho ra đời bộ tiêu chí cấp phép game, “cởi trói có điều kiện” để các doanh nghiệp game online trong nước phát triển, đẩy lui game lậu.
Về mặt nội dung, trong quá trình cấp phép game cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có thể thẩm định các yếu tố và can thiệp vào nội dung game, hạn chế giờ chơi… tránh những tác động không mong muốn cho xã hội, thậm chí có thể đưa vào những nội dung tuyên truyền khéo léo về lịch sử, văn hóa, hoặc hành vi ứng xử, cách hòa nhập cộng đồng toàn cầu...
Về kỹ thuật, lại càng giản đơn hơn. Ông Nguyễn Phan Phúc, Phó trưởng phòng Báo chí và Xuất Bản (Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cần phải có nghĩa vụ trong việc ký kết hợp đồng với khách hàng. Cụ thể, khi chấp nhận cho một đơn vị đặt máy chủ trên hệ thống, ít nhất các ISP phải biết được máy chủ ấy hoạt động có được giấy phép hay không.
Việc này, theo ông Phúc cũng cần phải có quy định kịp thời của cơ quan chức năng mà hiện nay còn đang bỏ ngỏ. Bởi, việc quy định trách nhiệm của ISP sẽ giúp doanh nghiệp rõ ràng hơn về hành lang pháp lý về quyền và nghĩa vụ của họ. Cơ quan chức năng khi kiểm tra cũng dễ dàng tìm ra các đơn vị làm sai để xử lý theo pháp luật.
Ngoài ra, hiện nay các quy định thanh toán điện tử chưa rõ ràng. Các thẻ cào nạp tiền được dùng trong dịch vụ viễn thông có thể thanh toán trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này tạo điều kiện cho người dùng có thể thanh toán tiền trong game bất cứ lúc nào và đó là “động lực” để game lậu tung hoành.
Bởi vậy, ông Phúc cho rằng cơ quan chức năng cần quy định cụ thể đối với việc chấp nhận thanh toán bằng thẻ cào trong dịch vụ cung cấp trò chơi điện tử trên mạng.
“Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tạm dừng thanh toán qua thẻ cào đối với các game online do các Công ty có hành vi vi phạm trong đợt thanh tra vừa qua” ông Phúc nói.
Thêm nữa, nếu như không thanh tra kiểu " đánh trống bỏ dùi" thì người chơi sẽ thiệt hại rật nhiều nếu các game lậu bị đóng cửa, đó là một lợi thế lớn của các cơ quan chức năng khi "đánh" game lậu.
Hẳn các game thủ chuyên nghiệp hoàn toàn không muốn bỗng dưng mắt trắng tài khoản của mình sau bao thời gian và tâm huyết tạo dựng khi game mà họ chơi là game lậu và bị đóng cửa bất thình lình, chả kêu ca được ai.
Minh chứng rõ nhất là ở trường hợp với Lemon Game và Koramgame, có tài khoản đã “đi tong” cả vài chục tới hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, với game online của các nhà phát hành trong nước, người dùng sẽ được đảm bảo quyền lợi tốt hơn khi có tình huống xấu.
Nhưng, nói gì thì nói, để được điều đó, thì chính sách phải đi theo kịp nhu cầu thị trường, đừng "siết" để mà "giết" và dù lãng xẹt thì vẫn phải gửi đến các nhà sản xuất nội dung game Việt là "hãy cố lên," bởi chính họ sẽ là người "cầm chịch" cuộc chơi nếu có game nội dung tốt và hấp dẫn các game thủ. Khó, nhưng không phải không làm được.