Vẫn ngang nhiên tồn tại
Mặc dù đã được Báo BĐVN phản ánh, Sở TT&TT TP.HCM cũng có công văn gửi ra Bộ TT&TT đề nghị xử lý sai phạm, nhưng đến thời điểm hiện tại 3 game không phép do công ty xGo phát hành tại Việt Nam gồm Thần Bài, Cửu Đỉnh và Tiên Kiếm vẫn ngang nhiên tồn tại và thường xuyên đưa ra các chương trình thu hút game thủ tham gia. Phải chăng Sở TT&TT Huế đã không đưa ra các biện pháp mạnh để xử lý công ty này (Trụ sở của xGo ở phường Trường An, TP Huế) và thanh tra Bộ TT&TT cũng không mạnh tay vào cuộc.
Bên cạnh đó, 2 game khác là Loong Online và Kiếm Rồng, được một công ty trong nước phát hành “lách luật” bằng cách đặt server ở nước ngoài cũng đang ngang nhiên tồn tại và không ngừng đưa ra các cập nhật để phục vụ game thủ tham gia chơi game.
Rất nhiều người thắc mắc tại sao những game vẫn không bị xử lý? Với cách phát hành game lậu như vậy khiến cho các doanh nghiệp phát hành game online chính thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các cơ quan nhà nước cũng bị thất thu không nhỏ từ việc thu thuế... Theo nhiều nguồn tin từ các trang tin game hay diễn đàn về game, 2 sản phẩm này đang do FPT Online vận hành. Còn phía cơ quan chức năng, cụ thể là đại diện thanh tra sở TT&TT TP.HCM cho biết, đến thời điểm hiện tại họ vẫn đang điều tra để tìm công ty nào phát hành 2 game online này, vì thực tế thông tin về nhà phát hành từ trang chủ đến các cuộc offline của game hoàn toàn được giấu kín. Bên cạnh đó các game này cũng cho nạp thẻ với nhiều cách thức khác nhau nên rất khó xử lý.
Ngoài các game trên, theo ghi nhận của phóng viên Báo BĐVN, hiện còn hàng loạt các công ty khác cũng đang dùng hình thức “lách luật” đặt server ở nước ngoài để phát hành game online tại Việt Nam và đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn gần như chưa có nhiều động thái để xử lý.
Bó tay trước game lậu?
Theo các cơ quan chức năng họ chưa thể xử lý được các game lậu và “lách luật” như ở trên, vì việc tìm ra nhà phát hành rất khó. Điều này không đúng trong mọi trường hợp, bởi như công ty xGo đã nhắc đến ở trên, hoàn toàn công khai chuyện mình là nhà phát hành các game như Thần Bài, Cửu Đỉnh hay Kiếm Rồng ngay trang chủ của game hay trang hỗ trợ nạp thẻ. Nhưng đến nay, game vẫn ngang nhiên tồn tại “không phép” mà chưa bị cơ quan chức năng sờ tới.
Còn với các công ty “lách luật” đặt máy chủ ở nước ngoài, thực tế cho thấy việc tìm ra nhà phát hành đứng sau, hoàn toàn có căn cứ để xác định được thông qua hình thức nạp thẻ ở các game này. Bởi các game đều sử dụng hình thức nạp thẻ thông qua các thẻ nạp của các nhà phát hành game trong nước và đặc biệt là thông qua đầu số của các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone... Cơ quan chức năng chỉ cần yêu cầu các đối tác này cung cấp xem số tiền nạp thẻ sẽ về công ty nào là có thể dễ dàng truy ra được việc công ty đang thương mại hoá các game này ở thị trường trong nước. Việc xử lý công ty trong nước tiến hành thương mại hoá game đặt máy chủ ở nước ngoài cũng được quy định rõ tại Thông tư liên tịch số 60 về quản lý trò chơi trực tuyến.
Trước những căn cứ hoàn toàn có thể xác định được công ty đang phát hành game sai luật trong nước như trên, việc xử lý là không hề khó khăn. Thế nhưng, có thể nói rất nhiều công ty ngang nhiên vi phạm vẫn “lọt tội” trước các cơ quan chức năng, điều này gây ảnh hưởng xấu cho thị trường game trong nước và cũng gây ảnh hưởng lớn đến các nhà phát hành game chính thống.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo BĐVN, hiện còn hàng loạt các công ty khác cũng đang dùng hình thức “lách luật” đặt server ở nước ngoài để phát hành game online tại Việt Nam và đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn gần như chưa có nhiều động thái để xử lý.