Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet thực hiện việc ngắt đường truyền cung cấp dịch vụ game online từ 22h đến 8h sáng hôm sau kể từ 31/3. Tuy nhiên, hơn 1 tuần sau khi có hiệu lực, “đột nhập” vào thế giới “game overnight” ở Hà Nội mới thấy, quy định trên đã bị phớt lờ. Quán game sau 22h vẫn sáng đèn, rộng cửa đón những game thủ vào chơi.
Lạc vào thế giới “over night”
Quán game ở Tạ Quang Bửu vẫn náo nhiệt (ảnh chụp lúc 23h15 ngày 6/4).
Chưa kịp tắt máy xe trước một quán game đoạn giữa phố Nguyễn Hiền (quận Hai Bà Trưng) thì đã có một thanh niên nhanh nhẹn đến cầm tay lái, dắt xe chúng tôi và hỏi: “Chơi qua đêm không để tôi đi cất xe?”.
Sau cái gật đầu của chúng tôi, ngay lập tức xe máy được đẩy sâu vào phía trong quán. Xe máy của khách được xếp ngay ngắn thành một hàng ở giữa, còn máy tính được bố trí hai hàng bám hai bên tường, khách ngồi chơi game quay lưng lại với nhau. Nhìn từ ngoài vào trong có khoảng 40 đến 50 máy, chưa kể quán game này còn có một phòng VIP với máy cấu hình “khủng” dành cho những game thủ thứ thiệt. Phòng VIP này được bố trí ở phía trong cùng và được ngăn cách với phía ngoài bởi cửa kính.
Trò chuyện với anh bạn trông máy như một người “ngoại đạo” vào đây giết thời gian chờ đến trận bóng đá đêm, chúng tôi mới biết nhiều chuyện lạ của dân game online.
- Nghe bảo người ta chuẩn bị cấm game đêm phải không? – Chúng tôi hỏi.
- Đã có hai quy định. Một từ tháng 9 năm ngoái, vừa mới đây lại ra quy định cấm. Nếu thực hiện theo quy định thì có mà ăn cám. Giờ cấm cũng là giờ vàng của game – Người quản lý tỏ vẻ bức xúc.
- Có vẻ không đông lắm, chắc game thủ tưởng quán đã đóng hả anh?
- Toàn khách quen, đóng hay mở có gì mà không biết – Người quản lý tỏ vẻ cáu bẳn sau sự tò mò của chúng tôi.
Ngoài những trò chơi thông thường, một số quán game hiện nay còn tổ chức và phục vụ cho các giải đấu e-sport chuyên nghiệp. Chưa kể có quán còn “chơi trội” hơn, trang bị cả hệ thống Half-line TV và Internet Protocol TV (IPTV) phục vụ dân nghiền game không được tham dự có thể ngồi… xem trực tuyến. |
Càng về khuya, game thủ đến quán càng đông hơn. Thi thoảng liếc đồng hồ, đến khoảng 23h, người quản lý bước ra phía ngoài kéo sập cánh cửa sắt. Anh ta đi một vòng quanh quán, đếm xe máy, ghi chép gì đó rồi lần lượt tắt các đèn chiếu sáng.
Phần lớn game thủ đều sàn sàn tuổi nhau, chủ yếu là sinh viên. Một vài người trong số đó có những gương mặt non choẹt, chắc hẳn đang là học sinh THPT. Ngay bên cạnh tôi là một game thủ tóc 3 màu đang miệt mài với “Võ lâm truyền kỳ”. Người cạnh anh ta lại đang chơi CrossFire (Hafl Life trực tuyến). Một nhóm kế cận gian phòng VIP thì đang mải mê với trò “Đế chế AOE”. Xen lẫn tiếng gõ bàn phím lạch cạch là những bàn luận, tranh cãi và tiếng chửi tục khá thô thiển được coi là “ngôn ngữ của dân game AOE”.
Tôi đeo tai nghe vào để chống lại thứ âm thanh hỗn tạp nhưng thỉnh thoảng vẫn phải giật mình bởi những tiếng gào rú như điên loạn hoặc phá lên cười khanh khách của một vài game thủ.
Người quản lý bây giờ phục vụ khách chuyên nghiệp không khác gì một nhân viên quán bar. Anh ta ngồi trước chiếc bàn nhỏ gọn gàng, rồi pha một vài ly cà phê cho những khách có nhu cầu. Để chống buồn ngủ, anh ta cũng tự thưởng cho mình một ly cà phê. Lúc đó đã là 2h30 sáng!
Bất chấp lệnh cấm
23h đêm ngày 6/4, ngõ Tự Do trên đường Trần Đại Nghĩa vẫn tấp nập kẻ vào người ra. Con ngõ này là một “phố game” không hơn không kém. Quá giờ “giới nghiêm” nhưng theo quan sát của chúng tôi, dưới lòng đường, một hàng dài xe máy của các game thủ xếp chật kín từ đầu đến cuối ngõ. Tiếng nhạc, tiếng súng dù được che chắn cẩn thận vẫn vọng ra chát chúa, ầm ĩ. Đi ngoài đường nhìn thẳng vào phía trong cũng có thể dễ dàng nhận thấy những dàn máy khoảng 50 đến 60 cái vẫn chật kín khách chơi.
Không khí game online càng “náo nhiệt” hơn ở phố Nguyễn Hiền. Hai con phố Nguyễn Hiền và Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, gần trường ĐH Bách khoa) xưa nay được biết đến như trung tâm game online của Thủ đô. Gần bước sang ngày mới, người qua lại trên đường thưa vắng dần, chỉ có những quán game là vẫn kẻ vào người ra tấp nập. Khó thống kê được có bao nhiêu phòng game, có bao nhiêu máy tính chơi game ở đây vì quán game san sát nhau, ngoài mặt đường cũng có, trong ngõ cũng có, tầng một cũng có, tầng hai cũng có, gác xép cũng có. Tất cả vẫn hoạt động bình thường khi đã quá giờ quy định.
Nếu như trước đây, các khu lân cận Đại học Bách khoa, Kinh tế quốc dân là “thiên đường game online” thì nay, các trung tâm game lớn đã mọc lên khắp nơi. Trung tâm game trên đường Tây Sơn (quận Đống Đa), trung tâm game gần Đại học Công nghiệp (huyện Từ Liêm) được cho là “xưởng game” khi ở đó trang bị hơn 200 máy tính để bàn dành cho game thủ với cấu hình cao. Thậm chí tại những nơi này còn có khu vực dành riêng cho các giải đấu chuyên nghiệp được trang bị hệ thống máy tính sử dụng bộ vi xử lý nhanh nhất hành tinh hiện nay: Intel Core i7. Những “xưởng game” này khiến không ít người choáng ngợp vì quy mô đến cả nghìn mét vuông. Và tất nhiên, tất cả vẫn đang náo nhiệt, ồn ào hoạt động như chưa hề nghe đến quy định cấm game sau 22h, dù đó đã là một ngày giữa tuần đầu tháng 4.