Việc hợp tác này đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Đại diện FPT và Feager ký biên bản ghi nhớ tại Tokyo (Nhật Bản).
Tham dự sự kiện có ông Trần Đức Trí Quang - Giám đốc Dữ liệu Công ty FPT IS, Giám đốc Lực lượng đặc nhiệm Chuyển đổi xanh FPT Green; ông Takahiro Ishizaki - Tổng Giám đốc Faeger và ông Yusuke Takai - Giám đốc vận hành Faeger.
Hai bên sẽ cùng nghiên cứu, phát triển các dịch vụ giải pháp chuyển đổi số dành cho khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính.
Trong hợp tác này, FPT đóng vai trò là đơn vị kiến tạo và mở rộng hệ sinh thái chuyển đổi xanh lĩnh vực nông lâm nghiệp trong nước. FPT cũng chịu trách nhiệm kết nối các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng nông dân Việt Nam. Đồng thời, tập đoàn sẽ cung cấp dịch vụ toàn diện từ tư vấn đến triển khai giải pháp công nghệ nhằm tối ưu hóa quản lý, giảm phát thải và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông lâm nghiệp.
Faeger cam kết đóng góp kiến thức chuyên môn, chuyên gia, kết nối nguồn tài trợ từ Cơ chế tín dụng chung (JCM) để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi xanh, đảm bảo tài chính thực hiện dự án. Feager cũng chia sẻ phương thức lập kế hoạch sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của Nhật Bản cho các dự án nông nghiệp.
Hợp tác cho thấy nỗ lực của hai bên trong phát triển chuyển đổi xanh giữa Việt Nam và Nhật Bản, nối tiếp các dự án trước đó về tăng trưởng carbon thấp giữa Chính phủ hai nước. Hai bên kỳ vọng cùng nhau thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, ít phát thải carbon, tăng trưởng bền vững.
Ông Takahiro Ishizaki - Tổng giám đốc Faeger, đánh giá cao cơ hội hợp tác cùng FPT trong mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi xanh tại Việt Nam cũng như cam kết của công ty. Ông chia sẻ "Thông qua hợp tác này, chúng tôi sẽ cùng FPT hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp khử cacbon, đồng thời, góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân Việt Nam nhờ những nỗ lực canh tác vì môi trường của họ. Đây sẽ trở thành một dự án điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp khử cacbon, tạo tiền đề nhân rộng hiệu quả tại Việt Nam và trong khu vực".
Ông Takahiro Ishizaki, Tổng giám đốc Feager kỳ vọng sẽ nhân rộng hoạt động chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon tại Việt Nam và trong khu vực.
Về phía FPT, ông Trần Đức Trí Quang - Giám đốc Dữ liệu Công ty FPT IS, Giám đốc Lực lượng đặc nhiệm Chuyển đổi xanh FPT Green, khẳng định việc hợp tác cùng Faeger là một trong những dấu mốc quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đồng hành cùng Việt Nam tham gia chuỗi chuyển đổi xanh thế giới. Ông nhấn mạnh: "Chuyển đổi xanh không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hướng đi tất yếu cho doanh nghiệp nào muốn tham gia vào thị trường toàn cầu. Trong ngành nông nghiệp, các hoạt động sản xuất nông nghiệp vừa tạo ra giá trị xanh nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và phải đối mặt với các thách thức về lượng phát thải khí nhà kính từ quá trình sản xuất. Thực tế này đòi hỏi các đơn vị sản xuất nông nghiệp phải có những mô hình giảm phát thải, phát triển bền vững. Thấu hiểu nhu cầu cấp thiết này, FPT xác định nhiệm vụ và xây dựng chiến lược công nghệ đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp để chuẩn bị và thích nghi các rào cản thương mại carbon, hướng tới mục tiêu Net Zero nhanh chóng, hiệu quả".
Ông Trần Đức Trí Quang khẳng định chuyển đổi xanh là hướng đi tất yếu cho doanh nghiệp nào muốn tham gia vào thị trường toàn cầu
Gần đây, FPT thực hiện thành công dự án tư vấn hoạt động thống kê phát thải đường biển và đường bộ, bao gồm: lên kế hoạch (Trip planning), quản lý vận tải (Transportation Management System), thống kê phát thải (Emission Intensity) và báo cáo hoạt động theo nhiều mức độ khác nhau cho 1 số doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam. FPT cũng xây dựng mô hình ứng dụng dữ liệu hiệu quả trong tối ưu hoạt động sản xuất năng lượng, hỗ trợ doanh nghiệp lên kế hoạch phát điện với nhiều nguồn nhiên liệu từ than đá, khí hóa lỏng đến năng lượng tái tạo, mô hình cung cấp các kịch bản sản xuất khác nhau cùng với tổng lượng phát thải, cũng như chi phí đầu tư và nguyên vật liệu cần thiết.
Với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, FPT cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong dự án chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp nói riêng và các lĩnh vực, ngành nghề khác nói chung. Xác định sứ mệnh và chiến lược về thúc đẩy ứng dụng công nghệ, hiện thực hóa chuyển đổi xanh tại Việt Nam, FPT đang tiến hành đầu tư nguồn lực và nghiên cứu giải pháp nhằm song hành cùng Chính phủ và các tổ chức, đơn vị tiên phong đạt mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0).
FPT là tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam hiện đang hoạt động tại 30 quốc gia toàn cầu. Trong suốt 35 năm phát triển, FPT đã song hành chuyển đổi số cùng nhiều doanh nghiệp trong đa dạng lĩnh vực trên thế giới như: Airbus, Siemens, Nissan, Microsoft, Tập đoàn SOVICO, Tập đoàn Masan, Golden Gate, Canon Vietnam, Vinamilk, Unilever…Trong lĩnh vực nông nghiệp, FPT là đối tác tin cậy và triển khai nhiều dự án chuyển đổi số nhiều doanh nghiệp lớn như Ba Huân, Tân Long, VINASEED…
Lực lượng đặc nhiệm Chuyển đổi xanh FPT Green đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ trọn vẹn từ Tư vấn lộ trình giảm phát thải đến Triển khai giải pháp công nghệ nhằm giúp các doanh nghiệp đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0. Đơn vị cung cấp các dịch vụ: Đào tạo về Chuyển đổi xanh; Tư vấn xây dựng báo cáo ESG; Tư vấn lộ trình giảm phát thải; Cung cấp sàn giao dịch chứng chỉ carbon, và Giải pháp Carbon Accounting - xác định, định giá các chứng chỉ tín dụng khí thải carbon.
Faeger có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản, là công ty tiên phong trong việc thúc đẩy nông nghiệp khử carbon. Công ty đánh giá những nỗ lực giảm khí thải carbon của doanh nghiệp, người nông dân và hỗ trợ họ chuyển đổi thành tín chỉ được công nhận bởi các cơ quan chứng nhận quốc tế. Faeger cũng hỗ trợ các công ty ủng hộ giảm khí thải carbon tiếp cận với nguồn tín chỉ đạt tiêu chuẩn này và khích lệ các doanh nghiệp tái đầu tư lợi nhuận vào nông dân. Tìm hiểu thêm về Feager tại: https://faeger.company/