Gửi nhờ phương tiện ở một nhà dân bất kỳ rồi men theo lối mòn dọc sông Sê Băng Hiêng (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) khoảng 1 km sẽ đến chân núi Brai. Từ đây, tiếp tục rẽ trái leo lên con dốc dài chừng 100 m rợp bóng cây là nhìn thấy một góc núi bị phạt ngang, trơ đá trắng hếu. Đó là hang động Brai.
Lạc vào tiên cảnh
Cửa động Brai nằm dưới tàng cây cổ thụ cao ngút tầm mắt. Hít một hơi dài, chúng tôi bật đèn pin và bắt đầu khám phá hang. Lối vào hang khá rộng, sâu bên trong ẩm ướt hơn nhưng cũng không quá nguy hiểm khi di chuyển. Vào sâu chừng chục mét, qua ánh đèn pin, từng khối thạch nhũ dần hiện ra với đủ hình thù, màu sắc.
Có khối được kiến tạo từ lâu nên rất lớn, buông thỏng từ lớp đá núi trên cao xuống tận nền hang. Cũng có những búp thạch nhũ óng như dát vàng trông như vừa bung mình ra khỏi lớp đá núi rắn chắc. Nhiều khối đá sáng màu tròn lẳn, theo thời gian bị bào mòn tạo thành những đường vân kỳ ảo.
Có khi đang mải mê ngước nhìn kỳ công của tạo hóa, chúng tôi bỗng giật thót khi chạm phải vũng nước mát lạnh dưới chân. Phút giật thột ấy cứ như bạn đang say đắm ngắm nhìn một thiếu nữ đẹp bỗng bị cái thúc nhẹ vào hông nhắc nhở "này, tỉnh lại đi anh!".
Vẻ đẹp thạch nhũ trong hang động Brai không thua kém bất kỳ hang động nào
Càng tiến sâu vào hang, thạch nhũ xuất hiện càng dày đặc. Từng giọt nước óng ánh đọng trên thạch nhũ thi thoảng nhỏ xuống tạo nên những âm thanh tí tách trầm bổng rồi sau đó không gian lại chìm vào thinh không.
Không khí trong động trầm, kỳ quan thạch nhũ ảo diệu khiến ai nấy như nín thở, lặng ngắm, lặng cảm nhận và tự hạ giọng khi khoe mình vừa phát hiện ngọn thạch nhũ cực đẹp hay liên tưởng ra rằng hình này, con kia.
Hang động Brai không dài, đoạn rộng, dễ khám phá chỉ khoảng nửa cây số. Càng vào sâu bên trong lối đi càng nhỏ hẹp, ngập sâu trong nước nên ít người khám phá. Dù khá khiêm tốn về diện tích nhưng vẻ đẹp kỳ ảo của những khối thạch nhũ ở đây không thua kém gì các hang động hoành tráng khác.
Hang động Brai đã được dân làng phát hiện từ xa xưa. Thời chiến tranh, Brai là nơi trú ẩn an toàn cho bộ đội và dân làng. Sau ngày giải phóng, hang động Brai dường như bị bỏ quên. Thỉnh thoảng mới có vài "phượt thủ" hoặc người dân địa phương đến đây để thỏa chí tò mò.
Đến hang động Brai nên đi vào lúc sáng sớm để tận hưởng thêm màn sương núi bồng bềnh, phủ trắng xóa trùm lấy đỉnh núi Brai. Giữa làn khói núi mờ ảo ấy, thỉnh thoảng sẽ bắt gặp nhiều chú voọc có thân đen tuyền, mặt trắng như tuyết nối đuôi nhào lộn, chí chóe gọi nhau như chốn không người.
Chuyện xưa tích cũ
Theo các cụ cao niên người đồng bào Vân Kiều, xưa kia có một người con gái tóc dài như suối tên Brai đem lòng yêu chàng trai vạm vỡ như đá núi tên là Tà Păng. Tình yêu của họ vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình, dòng họ vì hai người có chung huyết thống.
Biết không thể đến với nhau, một ngày nọ, Brai và Tà Păng đã rủ nhau ra sông Sê Băng Hiêng trầm mình tự vẫn. Để chia rẽ mối tình oan nghiệt ngày, dân làng đưa thi thể của Brai và Tà Păng chôn cất ở 2 nơi cách xa nhau.
Brai được chôn dưới chân một ngọn núi cao phía mặt trời lặn và tên của nàng được đặt cho ngọn núi ấy. Hang động kỳ vĩ nằm sát chân núi này vì thế cũng được gọi bằng tên nàng. Còn Tà Păng được chôn ở một ngọn núi cao phía mặt trời lên, nằm bên kia dòng Sê Băng Hiêng và núi cũng được gọi theo tên của chàng.
Ngày nay, giữa ngọn núi Brai và Tà Păng có cây cầu vững chãi bắc ngang nối đôi dòng Sê Băng Hiêng. Nhìn chiếc cầu vững chắc bắc giữa hai ngọn núi cao, chúng tôi chợt nghĩ không biết thông qua chiếc cầu này, nàng Brai có gặp được Tà Păng?
Tuyến du lịch hấp dẫn
Nhận thấy tiềm năng của hang động Brai, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức khảo sát qua đó lên kế hoạch bảo tồn và khai thác danh thắng này.
Theo ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, khi hang động Brai được "đánh thức" sẽ kết nối với các danh thắng khác tạo thành tuyến du lịch rất hấp dẫn. Khi đó, thu nhập và cuộc sống của người dân bản địa sẽ khá hơn.