Đảo Quỷ có tên gọi chính thức là Saint-Laurent du Maroni, nằm ngoài khơi Guiana thuộc Pháp. Năm 1852, dưới thời Napoleon, nó được sử dụng là nơi giam giữ tù nhân. Theo News, trong vòng 100 năm có khoảng 70.000 tù nhân bị đày tới đây gồm tù chính trị và hình sự.
Quỷ dữ là một mạng lưới đảo nhỏ với vẻ ngoài thanh bình. Tuy nhiên, ẩn trong nơi mà gần như cả thế giới lãng quên này là cả một quá khứ đầy ám ảnh. Ảnh: News.
Với những bản án nặng nề, hầu hết người đến đây đều không thể rời khỏi đảo. Ước tính, 40% tù nhân chết trong năm đầu tiên, chỉ có 5.000 người còn sống sót đến ngày được tại ngoại. Chặng đường tù nhân được chuyển tới đây cũng khắc nghiệt, khiến nhiều người bỏ mạng khi chưa lên đảo. Một số bị giết chết khi đánh nhau trong những chiếc cũi sắt khóa chặt trên thuyền, nhiều người bị tạt axit và xì hơi nóng khi không tuân lệnh trên tàu.
Một ngày ở khu trại tù này cũng rất dài và khắc nghiệt. Những tù nhân phải làm công việc nặng nhọc như xây dựng nhà tù hay bệnh viện 12 tiếng mỗi ngày, từ 6h tới 18h.
Những tàn tích của nhà tù giờ trở thành điểm đến hút khách du lịch. Ảnh: News.
Họ sống trong căn buồng bẩn thỉu, chật chội với chiều dài 2m, chiều rộng 1m8. Ban ngày, các tù nhân bị xích chân. Đến đêm, họ bị còng tay. Với điều kiện sống khắc nghiệt, nhiều tù nhân gầy như những bộ xác khô. Số khác nằm chờ chết. Một cai ngục từng làm ở nhà tù trên đảo cho biết, sau khi tù nhân chết, xác họ sẽ được ném xuống biển. Cá mập sẽ lao tới và xâu xé.
Nhiều người cố gắng trốn thoát khỏi hòn đảo địa ngục này, song nếu không bị dòng nước nguy hiểm bao quanh đảo nhấn chìm, họ cũng bị lạc tới một khu rừng rậm nguy hiểm khác.
Hermann Clarke, hướng dẫn viên tour tham quan nhà tù khẳng định nơi đây thực sự là một địa ngục sống. Trong số 70.000 người tới đây, 75% chết vì bệnh tật, đói ăn và bị ngược đãi. "Một số người trong đó thực sự bị oan, họ vô tội", Clarke nói.
Trên đảo có nhiều ngôi mộ vô danh, là nơi yên nghỉ cuối cùng của những tù nhân thiếu may mắn bị đày đến. Ảnh: News.
Suốt một quãng thời gian dài, chỉ có hai trường hợp trốn chạy thành công. Năm 1901, Clement Duval đã vượt ngục. Ông tìm được nơi trú ẩn ở Mỹ để sống nốt quãng đời còn lại. Trường hợp còn lại là Henri Charriere và Sylvain, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Papillon.
Những người được tại ngoại sẽ được cấp đất và buộc phải ở lại Guiana. Dân số ở đây tăng lên khi chính phủ đày những người phạm tội nhẹ tới hòn đảo. Có thời điểm, hơn 100.000 người sinh sống tại đây.
Những năm 1980, người ta tiến hành cải tạo hòn đảo bị bỏ hoang, nhiều công trình ban đầu vẫn được giữ lại, trở thành điểm du lịch hút khách. Với nhiều người, phần hấp dẫn của hòn đảo là dòng chữ khắc trên trần nhà tù số 47, xuất hiện trong phim Papillon (1973).