Liều mình vay nửa tỉ mua nhà
Sau khi sinh con, Nguyễn Thị Quỳnh Mai (26 tuổi, Hà Nội) nghĩ tới việc làm gì đó để phụ thêm thu nhập cho chồng. Đọc trên mạng, xem facebook thấy thị trường bất động sản đang nóng, cô quyết tâm tìm hiểu. Mai gửi con cho bà để đi dự sự kiện bán hàng của một công ty bất động sản.
Được nhân viên tư vấn rất nhiệt tình, Mai cảm thấy có thể kiếm được tiền nhờ đầu tư vào căn hộ cao cấp. Trong sổ tiết kiệm có 100 triệu đồng, là tiền dành dụm được của hai vợ chồng. Mai đã âm thầm rút để đặt mua 1 căn hộ rộng gần 80m2 tại Mỹ Đình, với tổng số tiền lên tới hơn 3 tỉ đồng.
(Ảnh minh hoạ)
Theo tính toán của Mai, chỉ cần đặt mua xong, nếu thị trường tăng cao. Mai có thể lướt sóng luôn, thu về vài chục triệu trong thời gian ngắn.
Nhân viên của sàn luôn gọi điện giục Mai về việc xuống tiền đặt cọc, khiến cô nghĩ thị trường chắc đang sốt nóng. Hầu hết các căn đẹp đều rao bán trên mạng có mức chênh lên tới hơn 100 triệu đồng.
Đặt cọc xong căn hộ, Mai lên kế hoạch tìm khách. Cả ngày, Mai lên các trang rao vặt, mạng xã hội để quảng cáo giới thiệu căn hộ. Cô còn tranh thủ gọi điện hỏi một số đối tác xem họ có nhu cầu mua nhà hay không? Hơn 1 tháng, dự án sắp phải vào tên hợp đồng trong khi đó Mai vẫn chưa thể giải quyết được căn hộ.
Sốt ruột với khoản tiền lớn phải nộp nếu vào tên hợp đồng, Mai gọi điện nhờ nhân viên bán hàng tư vấn. Lúc này, chị nhận được câu trả lời: "Nên để lại vì càng bàn giao nhà càng có giá hơn, lúc đó các căn đẹp sẽ chênh hàng trăm triệu đông".
Quyết giữ lại căn hộ để đầu tư cũng là lúc mà chị Mai méo mặt khi không còn đủ số tiền để đóng đợt 1. Bất đắc dĩ, Mai hỏi vay mượn bố mẹ đẻ, anh chị em trong nhà nhưng đều giấu kín. Trong khi đó, Mai vẫn tiếp tục đi tìm kiếm khách hàng song mọi thứ đều vô vọng.
Không còn khả năng vay mượn, bán nhà cũng không xong, bỏ của chạy lấy người thì mất hàng trăm triệu đồng, Mai đã phải chia sẻ thật với chồng và gia đình. Tới lúc này, cả nhà mới ngã ngửa. Số tiền Mai vay mượn lên tới 500 triệu đồng. Các đợt tiếp theo của dự án, Mai không biết xoay sở thế nào.
Vợ chồng Mai cũng lục đục từ lúc đó. Cả gia đình tìm cách cứu vãn tình hình, như nhờ nhân viên môi giới bán hộ nhưng dường như họ đều tìm cách từ chối hoặc ép phải trả hoa hồng rất cao. Gia đình Mai đành tìm cách để bán cắt lỗ căn hộ lên tới hàng trăm triệu.
Hết thời lướt sóng
Thực tế, thời gian qua, nguồn cung khổng lồ, giá cao đã khiến cho thị trường căn hộ không còn hấp dẫn như trước. Những người đầu cơ ngoại đạo như Mai dễ dàng nhận được trái đắng.
Ông Nguyễn Vũ Long, giám đốc kinh doanh công ty BĐS, cho rằng, thị trường đang gặp khó, đặc biệt ở các dự án có giá vài ba tỷ, người mua có nhiều sự lựa chọn nên việc bán chênh kiếm lời là hoàn toàn không thể.
Theo ông Long, lý do các nhân viên môi giới thường không mặn mà với các căn hộ đã bán do họ vẫn phải chịu doanh số của sàn áp đặt. Nguồn cung của chủ đầu tư đang khá dồi dào nên người mua cũng không muốn mua nhà sang tên đổi chủ phải qua công chứng...
(Ảnh minh hoạ)
Dưới góc độc của đơn vị tư vấn, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE Hà Nội, nhận định, giá căn hộ đã giảm. Mức tăng trưởng tương đối nhanh về nguồn cung sơ cấp phần nào tạo áp lực cho thị trường, giá trung bình có xu hướng giảm nhất là tại các dự án đã hoàn thiện với mức giảm 3% theo quý, tương đương 12% theo năm. Trên thị trường thứ cấp cũng xuất hiện tình trạng giảm giá tương tự.
"Hiện nay, khách hàng mua nhà kỳ vọng chốt lời trong một khoảng thời gian ngắn là việc rất khó. Điều này khác hẳn so với thị trường cách đây vài năm. Xu hướng này chúng tôi đã nhìn thấy tại TPHCM và hiện nay là Hà Nội", bà An nhấn mạnh.
Theo thống kê của CBRE, năm 2017 nguồn cung chung cư Hà Nội đạt mức kỷ lục chạm mốc 35.000 căn, cao gấp 3 lần so với cách đó 4 năm. Chỉ tính riêng trong quý 3/2017, thị trường Hà Nội đón thêm gần 8.300 căn hộ mới mở bán từ 38 dự án trên toàn thành phố, tập trung chủ yếu khu vực phía Tây và Tây Nam chiếm đến 60% nguồn cung mới.
Mặc dù giá chung cư đang có xu hướng giảm nhưng nguồn cung chung cư vẫn ồ ạt bung hàng. Năm 2018 và 2019, thị trường sẽ tiếp tục đón thêm gần 70.000 căn nữa.
Có thể nói, thị trường căn hộ đang bước vào thời kỳ khó khăn, những người có nhu cầu đầu tư mà không đủ mạnh về tài chính cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh những rủi ro đáng tiếc. Bài học về sự sụp đổ khi lướt sóng bất động sản cách đây là lời cảnh tỉnh các nhà đầu tư không chuyên nghiệp.