Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 19-4, GS.TS Trần Ngọc Thơ (Trường Đại học Kinh Tế TP HCM), cho rằng ý kiến đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) về lượng tiền gửi ở nước ngoài tăng đột biến lên đến 7,3 tỉ USD và dẫn đến “bẫy thanh khoản ngoại tệ” đang tạo ra những phản ứng của nhiều chuyên gia cũng như của các cơ quan quản lý nhà nước.
Để hiểu bản chất vấn đề này, theo GS.TS Trần Ngọc Thơ, trước hết cần phải nắm rõ vai trò của các trung tâm thanh toán bù trừ (Clearing House) của đồng tiền ở các quốc gia.
Việc thu chi ngoại tệ của các giao dịch quốc tế của mọi quốc gia trên thế giới không thể thanh toán bằng ngoại tệ tiền mặt mà phải thanh toán chuyển khoản qua các tài khoản
Ngân hàng Nhà nước đang đóng vai trò là trung tâm thanh toán bù trừ cho đồng Việt Nam. Điều này có nghĩa là các ngân hàng thương mại có các khoản thu và khoản chi của khách hàng mình đối với khách hàng của các ngân hàng khác thì các ngân hàng thương mại không phải thanh toán trực tiếp với nhau. Chính Ngân hàng Nhà nước thông qua nghiệp vụ bù trừ để thanh toán phần thiếu ròng hay dư ròng của mỗi ngân hàng thương mại mà ghi "Nợ" (đối với thiếu ròng) hay ghi "Có" (đối với dư ròng) cho tài khoản của các ngân hàng này.
Ở Mỹ người ta cũng tổ chức các trung tâm thanh toán bù trừ như thế, tiêu biểu là New York Clearing House. Vì USD chiếm một tỷ trọng thanh toán rất lớn trong thương mại xuất nhập khẩu và đầu tư quốc tế, nên việc mở và sử dụng tài khoản USD tại các ngân hàng thương mại Mỹ, nhất là tại New York, gần như là một điều kiện bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại trên toàn thế giới. Tài khoản này được đặt tên gọi phổ biến là tài khoản Nostro Account (nói nôm na là tài khoản của chúng ta). Có lẽ mọi suy đoán vừa qua bắt nguồn từ việc chưa nhìn những hạng mục trên các tài khoản Nostro này dưới góc độ quốc gia.
Việc thu chi ngoại tệ từ các giao dịch quốc tế của mọi quốc gia trên thế giới hay của Việt Nam cũng vậy, không thể thanh toán bằng ngoại tệ tiền mặt được mà phải thanh toán chuyển khoản qua các tài khoản Nostro.
Chẳng hạn, Việt Nam xuất khẩu gạo qua Nhật mà thanh toán bằng USD thì không thể nhận bằng USD tiền mặt trực tiếp được. Ngân hàng Nhật phục vụ khách hàng nhập khẩu của mình phải sử dụng tài khoản Nostro bằng USD tại Mỹ để trả vào tài khoản Nostro của ngân hàng Việt Nam cũng tại Mỹ. Các nghiệp vụ này đều thực hiện qua trung tâm thanh toán bù trừ New York. Từ đây, khi nhìn vào cán cân thanh toán quốc tế, nhiều người hay gọi “Người Việt đã mang ngoại tệ đi gửi nước ngoài 7,3 tỉ USD”.
Thoạt nghe thì có vẻ đúng nhưng về kỹ thuật, quy trình thanh toán như trên, cách nói này là chưa chuẩn xác và có khả năng dẫn đến những phản ứng chính sách không phù hợp hoặc gây bức xúc trong dư luận. Bởi vì, ngoại tệ của Việt Nam có được qua xuất khẩu, kiều hối và đầu tư không phải nằm toàn bộ trong các kho tiền của các ngân hàng thương mại, mà chủ yếu nằm ở các tài khoản Nostro ở các ngân hàng ngoài nước. Các đồng ngoại tệ đó, kể cả USD, là đồng tiền ghi sổ. Các luồng tiền vào ra trên tài khoản này chỉ là cách thức thống kê liều lượng thu, chi mà thôi.
Lẽ ra những hiểu lầm vừa qua là không đáng có nếu những vấn đề này được nhìn nhận thấu đáo hơn. Mặc dù có tên gọi là “cán cân thanh toán quốc tế” nhưng những dữ liệu ghi nhận trên đó không phải là các khoản thanh toán “thực sự” mà một quốc gia nhận được, mà chỉ nói lên các “giao dịch” mà thôi.
Những câu chuyện tranh luận thời gian qua bắt nguồn từ việc suy diễn, phân tích có những sai lệch quá lớn so với bản chất sự kiện. Từ đó tạo ra những đồn đoán bất ổn cho nền kinh tế là điều không nên chút nào.