Tại TP HCM, hiện có hơn 1.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế, trong đó hơn 300 người làm công việc đại lý thuế. Số doanh nghiệp có chức năng đại lý thuế đến thời điểm 31-5-2015 là 91 doanh nghiệp (DN) (chiếm gần 40% cả nước).
Chế định đại lý thuế đã ra đời từ năm 2007, vì sao đến thời điễm hiện nay, trên địa bàn TP HCM, vẫn chưa có nhiều DN sử dụng dịch vụ đại lý thuế, thưa ông?
Ông Nguyễn Thái Sơn: Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, các tổ chức đại lý thuế chỉ được phép cung cấp dịch vụ làm thủ tục về thuế cho doanh nghiệp. Họ không được cung cấp các dịch vụ có liên quan như: công tác kế toán; đại diện theo ủy quyền của người nộp thuế trong việc giải trình hồ sơ thuế, trong khiếu nại, khiếu kiện về thuế…
Thứ hai, chế định đại lý thuế đã mới mẻ lại không được quảng bá đúng mức về vai trò, vị trí trong việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, dẫn đến rất hiếm doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm dịch vụ của các tổ chức đại lý thuế; tính phổ biến của nghề đại lý thuế trong xã hội chưa cao.
Thứ ba, thực tế, từ năm 2007 đến nay, số lượng Đại lý thuế trên địa bàn TP chỉ phát triển đến con số 91, nhưng số DN đại lý thuế có khách hàng thường xuyên lại chỉ chiếm chừng 50%. Điều đó cho thấy nghề đại lý thuế chưa thực sự hấp dẫn. Hoạt động kém hấp dẫn nên không thu hút được nhân tài, dẫn đến đại lý thuế càng khó phát triển thành những thương hiệu uy tín đủ sức lôi cuốn khách hàng.
Từ thực tiễn hoạt động của các DN, theo ông, giải pháp nào để phát triển hệ thống đại lý thuế tại TP HCM?
Kế hoạch phát triển hệ thống đại lý thuế đã được Bộ Tài chính triển khai rất cụ thể với hàng loạt giải pháp từ hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đại lý thuế, hoàn thiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động đại lý thuế đến nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống đại lý thuế. Gần đây nhất, Bộ Tài chính đã có công văn số 2079/TCT-TTHT chỉ đạo các Cục thuế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, phát triển hệ thống đại lý thuế với những nội dung công việc cụ thể.
Theo chúng tôi, ngành Thuế cần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng hành lang pháp lý liên quan hoạt động đại lý thuế như mở rộng các dịch vụ do đại lý thuế thực hiện, mở rộng đối tượng hành nghề đại lý thuế. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm nặng nề của ngành thuế trong việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động: cấp giấy hành nghề đại lý thuế, đào tạo nhân viên, tổ chức đại lý thuế, công khai danh sách đại lý thuế hợp pháp; giám sát hoạt động của đại lý thuế, khen thưởng, kỷ luật đại lý thuế… tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động đại lý thuế.
CLB Đại lý thuế TP HCM vừa đã được thành lập. Ông có thể chia sẻ một số thông tin về CLB?
CLB Đại lý thuế được thành lập và ra mắt ngày 6-6-2015 với 30 hội viên là các DN hành nghề đại lý thuế. Bước đầu, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao chất lượng hội viên thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn về chính sách thuế, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho hội viên. Song song đó, sẽ tổ chức chia sẻ chuyên môn về thuế với cộng đồng DN…
Vì CLB không có tư cách pháp nhân, nên chỉ là tổ chức quá độ để tiến tới thành lập Hội nghề nghiệp đại lý thuế được luật pháp công nhận. Chỉ có là Hội nghề nghiệp có tư cách pháp nhân thì chúng tôi mới có thể tham gia vào quá trình đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch phát triển hệ thống đại lý thuế của Bộ Tài chính.
Dĩ nhiên, việc thành lập Hội Đại lý thuế không thể thực hiện được nếu thiếu sự đồng tình ủng hộ của Cục Thuế TP HCM. Hơn nữa, hoạt động của Hội Đại lý thuế không thể phát huy tác dụng, nếu không xây dựng được cơ chế phối hợp hoạt động giữa Cục thuế TP HCM với Hội Đại lý thuế trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.
Xin cảm ơn ông!