Ngân hàng quốc doanh có mạng lưới, thị phần tiền gửi lớn nhất Việt Nam là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) từ ngày 3-6 đã tăng lãi suất với một loạt sản phẩm tiết kiệm tiền đồng tại hội sở chính. Thông thường, các chi nhánh của Agribank căn cứ vào thay đổi lãi suất huy động vốn tại hội sở chính và chỉ tiêu đặt ra tại từng địa bàn mà điều chỉnh lãi suất theo sau đó.
Theo thông báo của Agribank, Sở giao dịch của ngân hàng áp dụng mức lãi suất mới đối với tiền gửi bằng tiền đồng các kỳ hạn dài, cao nhất đến 6,8%/năm từ sáng ngày 3-6-2015.
Lãi suất huy động áp dụng với tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng tiền đồng Việt Nam (VND) kỳ hạn 18 tháng là 6,50%/năm (thay cho 6,20%/năm); kỳ hạn 24 tháng là 6,80%/năm (thay cho 6,30%/năm). Đối với khách hàng tổ chức, lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn 24 tháng áp dụng mức 6,80%/năm (thay cho 6.30%/năm).
Hai ngân hàng có thị phần tiền gửi nằm trong nhóm đứng đầu khu vực phía nam trước đó cũng tăng lãi suất huy động. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã điều chỉnh tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 6-36 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm kể từ ngày 25-5; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng đã tăng nhẹ một số kỳ hạn huy động tiền đồng kể từ ngày 21-5.
Như vậy, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng lên sau hơn hai năm luôn nằm trong xu thế giảm hoặc đứng yên. Một số người theo sát diễn biến thị trường trong giới ngân hàng bình luận rằng việc một số ngân hàng có thị phần huy động tiền gửi lớn tăng lãi suất có nguyên nhân từ một số yếu tố trên thị trường và nền kinh tế gần đây.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng khối lượng khá lớn trên thị trường trong tháng 5, trên 50.000 tỉ đồng. Và với thông điệp mạnh mẽ về việc sẽ không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến hết năm, NHNN sẽ có xu hướng bán ngoại tệ giữ tỷ giá song hút mạnh tiền đồng về qua kênh tín phiếu. Việc này được dự báo sẽ tiếp tục được NHNN thực hiện trong tháng 6 này.
Tính chung cả tuần vừa qua, NHNN đã hút ròng 1.791 tỉ đồng qua kênh tín phiếu. Bên cạnh đó, họ đã phát hành thêm tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và lãi suất trúng thầu tín phiếu ở các kỳ hạn đã thay đổi theo chiều hướng tăng. Cụ thể, so với phiên giao dịch cuối tuần trước đó, lãi suất kỳ hạn 14 ngày tăng từ 3,5% lên 3,8%; lãi suất kỳ hạn 28 ngày tăng từ 3,5% lên 3,9%; lãi suất kỳ hạn 56 ngày tăng từ 3,7% lên 3,9% và kỳ hạn 91 ngày tăng từ 3,9% lên 4%.
Trong xu hướng đó, lãi suất liên ngân hàng trong tuần qua đã tăng trở lại sau khi giảm khá mạnh trong khoảng 3 tuần trước đó, với mức tăng từ 1,6 đến 1,9 điểm phần trăm tùy từng kỳ hạn. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy nhu cầu vay vốn trên thị trường liên ngân hàng đã tăng trở lại sau khi trải qua giai đoạn trầm lắng trong tháng 5.
Thứ hai, tín dụng theo chu kỳ hàng năm thường tăng mạnh vào tháng 6 và đã tăng khá nhanh thời gian qua.
“Việc tín dụng khởi sắc đã và đang dần gây áp lực lên khả năng cân đối vốn của các ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20-5 ước tính đã đạt 4,26%. Trong khi đó, ở phía cung, tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi đang không theo kịp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Điển hình như tại Hà Nội, tổng dư nợ cho vay trong 5 tháng đầu năm nay tăng 8,7% so với cuối năm 2014 trong khi tăng trưởng huy động ở mức thấp hơn, đạt 7,1%.
"Bên cạnh đó, số liệu nêu trong báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho thấy tính đến ngày 31-3-2015, tổng vốn huy động trong nền kinh tế chỉ tăng 0,98% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 1,7% của tín dụng cùng kỳ. Chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và tín dụng đã khiến tỷ lệ cho vay/huy động tăng nhẹ lên 84%, cao hơn mức 83% tại thời điểm tháng 12-2014” - theo báo cáo phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Cũng theo báo cáo trên, ở một góc nhìn khác, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong thời gian gần đây đã không còn ở trạng thái quá dư thừa so với cùng kỳ năm 2014. Điều này được thể hiện qua diễn biến lãi suất liên ngân hàng đã có một đợt tăng nóng, thậm chí lên mức cao nhất kể từ đầu năm ngoái đến nay (5%/năm) trong giai đoạn giữa tháng 4 vừa qua.
Mặc dù trong các tuần cuối tháng 5, đầu tháng 6, lãi suất liên ngân hàng đã giảm trở lại nhưng nhìn chung mặt bằng trung bình trong 5 năm tháng đầu năm 2015 đã cao hơn so với năm 2014. Thanh khoản không còn dư thừa trong khi tín dụng có nhiều cơ hội để khởi sắc cũng đã khiến việc phát hành trái phiếu chính phủ ở trong tình trạng rất khó khăn thời gian gần đây.
Một yếu tố khác, tỷ lệ bán ra của trái phiếu chính phủ tuy đã có cải thiện nhẹ trong tháng 5 song vẫn ở mức thấp và vì thế thị trường dự báo Kho bạc nhà nước sẽ phải tăng lãi suất huy động trái phiếu chính phủ để giảm áp lực cho nhiệm vụ tìm đầu vào cho ngân sách.
Báo cáo của BVSC nhận định rằng mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay đã đi qua điểm đáy. Xu hướng của lãi suất trong thời gian sắp tới nhiều khả năng sẽ tăng dần với biên độ điều chỉnh mỗi lần không quá lớn. Thực tế đợt điều chỉnh lãi suất huy động của ba ngân hàng ACB, Eximbank, Agribank như trên chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn dài (18-36 tháng), phần nào cho thấy mục tiêu chính của các ngân hàng này là cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn.
Tăng trưởng tín dụng sẽ ngày càng tăng tốc trong quí III và quí IV trong khi nguồn vốn huy động có thể sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn nữa với kênh chứng khoán và bất động sản, và do vậy, mặt bằng lãi suất huy động gần như không còn cơ hội để giảm thêm.
Về phía nhà điều hành, các mệnh lệnh hành chính theo hướng ép lãi suất tiếp tục giảm sẽ rất khó thực hiện và phải rất cân nhắc đến rủi ro tỷ giá. Mức chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và đô la Mỹ (USD) hiện vẫn được đảm bảo quanh mức 5% nhưng nếu lãi suất tiền đồng tiếp tục bị ép giảm trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá vẫn chưa hoàn toàn được hóa giải thì động lực để dòng tiền chuyển từ VND sang USD sẽ ngày càng lớn.
Hiện tượng này cùng với vấn đề nhập siêu sẽ là hai thách thức lớn cho cam kết điều hành tỷ giá của NHNN.