Gần đây, trên nhiều tuyến đường tại TP HCM xuất hiện những tờ rơi được phát, dán khắp nơi giới thiệu về các gói tín dụng với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng kiểu như: “Vay tiêu dùng dễ dàng”; “vay không cần thế chấp, không cần bảo lãnh công ty”; “vay nhanh trong ngày, không chứng minh thu nhập”...
Những tờ rơi cho vay nhanh gọn, dễ dàng nhan nhản trên nhiều tuyến đường TP HCM - Ảnh: Công Nguyên
“Muốn vay bao nhiêu chị cũng cho!”
Vay 10 triệu, góp cho tôi 400.000 đồng/ngày, trả trong vòng 40 ngày. Thiếu tiền ngày nào sẽ cộng vào tiền gốc rồi suy ra lãi
Một người đàn ông nhận cho vay
Chúng tôi gọi điện vào số 012332160 ... được dán tại trụ điện nằm ngay trung tâm Q.1 (TP HCM), giọng người phụ nữ bắt máy. Khi nghe chúng tôi cần vay tiền, người phụ nữ này liền hỏi: “Có hộ khẩu thành phố không. Làm gì?”.
Sau khi nghe chúng tôi nói có hộ khẩu TP và làm quản lý một quán nhậu, muốn vay 10 triệu đồng, người này liền vui vẻ: “Nếu có hộ khẩu TP, có chỗ làm thì em muốn vay bao nhiêu chị cũng cho. Nếu vay 10 triệu đồng, mỗi ngày em đóng 300.000 đồng và đóng đủ 42 ngày liên tiếp”.
Khi chúng tôi hẹn gặp để trao đổi cụ thể thì người này dặn dò: “Trước khi gặp, em về lấy sổ hộ khẩu, chuẩn bị CMND mang theo. Có cái đó, chị sẽ cho người đi xác minh, nếu hợp lệ chị sẽ làm giấy tờ cho em mượn tiền”.
Chúng tôi thắc mắc: “Bên chị công ty hay cá nhân đứng ra cho vay? Giấy tờ vay mượn ra sao?”, người này giải thích: “Em yên tâm đi, bên chị hộ gia đình đứng ra cho vay, giấy vay nợ đã có mẫu chỉ cần thay tên, địa chỉ số tiền rồi em ký vào. Sau khi ký giấy vay nợ, các giấy liên quan bên chị sẽ giữ hết. Mỗi ngày sẽ có người gặp em góp tiền”. “Nếu những ngày em không có tiền góp thì sao?”, chúng tôi hỏi thì người này nói: “Thì cộng vào tiền gốc và từ đó tính lãi”.
Gọi vào một số điện thoại trên tờ rơi khác, chúng tôi gặp người có tên S.H (ở đường Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh) để hỏi vay tiền, thì ông này nói thẳng: “Vay 10 triệu, góp cho tôi 400.000 đồng/ngày, trả trong vòng 40 ngày. Thiếu tiền ngày nào sẽ cộng vào tiền gốc rồi suy ra lãi”. Tương tự, chúng tôi liên lạc với người phụ nữ tên Tú (ngụ Q.5, TP HCM) hỏi vay tiền, thì bà này nói: “Ở đây chỉ cho vay khi biết mặt, hoặc địa chỉ nơi ở, nơi làm. Vay 1 triệu, đóng tiền góp 50.000 đồng/ngày trong vòng 1 tháng, vay 2 triệu thì góp 90.000 đồng...”.
Hôm nào chưa góp tiền thì vợ chồng T. qua tận nhà la ó, chửi mắng gây áp lực cho tôi, lấy con tôi ra đe dọa. Thực sự tôi đã không còn khả năng trả nợ với cách tính lãi suất 30%/tháng
Một nạn nhân
Lãi suất “cắt cổ” người vay
Theo chị Nhung, nhân viên làm việc tại một ngân hàng tại TP HCM, hiện nay có hai hình thức vay phổ biến đó là vay tín chấp và vay thế chấp. Vay tín chấp thì người vay cần chứng minh thu nhập, xác nhận nơi công tác; vay thế chấp thì người vay phải có tài sản cố định để đảm bảo. Còn với hình thức vay rồi góp theo ngày đó là vay “nóng”.
Nếu như vay 10 triệu mà góp 300.000 đồng/ngày và liên tục 42 ngày thì người vay phải trả 12,600 triệu đồng tính ra lãi suất khoảng 19%/tháng. Đây là lãi suất “cắt cổ” người vay, nếu ai không biết dính vào sẽ đổ nợ. Riêng trường hợp nhân viên tư vấn tín dụng tên L. đưa ra gói vay 10 triệu mỗi tháng đóng 1,397 triệu đồng/tháng, trả liên tục trong vòng 12 tháng thì suy ra lãi suất khoảng 5,6%/tháng. Với lãi suất thế này cũng quá cao so với lãi suất các ngân hàng cho vay hiện nay (khoảng 1,5%/tháng).
Một cán bộ công an Q.Gò Vấp thừa nhận nhiều cá nhân bên ngoài xã hội đứng ra cho vay “nóng” khá phổ biến. Chủ yếu hoạt động này diễn ra âm thầm giữa người vay và người cho vay thông qua viết giấy tay, tiền góp mỗi ngày hai bên tự thỏa thuận. Người đi vay “nóng” chủ yếu cần tiền gấp để xoay xở trong việc làm ăn, người thua cờ bạc, có thể là người nghiện ma túy. Người cho vay khi quyết định cho vay cũng đã tìm hiểu kỹ nhân thân, nhà cửa, nơi làm việc người đi vay.
Nguy hiểm ở chỗ khi người vay không có tiền góp mỗi ngày sẽ bị chủ nợ cộng vào tiền gốc để tiếp tục tính lãi. Lãi mẹ đẻ lãi con khi thành số tiền lớn thì chủ nợ yêu cầu người vay ra công chứng ký nhận vay nợ. Theo một cán bộ công an, trong giấy công chứng, người cho vay chỉ ghi lãi suất 1% để tránh liên lụy khi đụng đến pháp luật.
Còn thực chất, mỗi ngày người vay phải đóng cho chủ nợ số tiền gấp rất nhiều lần so với lời ghi tại công chứng. Nếu người vay không chịu góp hằng ngày thì chủ nợ thường xuyên đe dọa, hoặc gạ gẫm bán rẻ nhà cửa, đất đai để xóa nợ. Chính vì điều đó gây ra rất nhiều hệ lụy khi phát sinh mâu thuẫn giữa hai bên.
Bị chủ nợ đe dọa, người vay tự tử
Sau hơn một tháng kể từ ngày (16.5) ông N.Q.L (giám đốc công ty mua bán máy tính ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) treo cổ tự tử, bà N.T.T.M (vợ ông L.) bước đầu đã làm việc với công an, cung cấp lá thư ông L. để lại, đồng thời làm đơn tố cáo chủ nợ.
Theo đơn tố cáo của bà M., giữa năm 2013, vợ chồng bà vay mượn người đàn ông tên V.T (ngụ Q.Gò Vấp) 100 triệu đồng để làm ăn và phải góp 4 triệu đồng/ngày và đã góp đủ. Thời gian sau, vợ chồng bà M. tiếp tục vay T. 300 triệu đồng và phải góp 12 triệu đồng/ngày trong vòng 1 tháng, nhưng do công việc làm ăn khó khăn nên vợ chồng bà M. không góp nổi. Sau một thời gian, T. yêu cầu vợ chồng bà M. ra phòng công chứng làm giấy ký nhận vay T. 800 triệu đồng. Biết vợ chồng bà M. bán nhà thì T. đòi mua rẻ. Không được như ý muốn, T. liền lên mặt đe dọa, bắt vợ chồng bà M. viết giấy nợ lên 1,2 tỉ đồng.
Do không chịu nổi áp lực, cũng như lời đe dọa của T., ngày 16.5, ông L. đã treo cổ tự tử. Trước khi mất, ông L. đã viết thư để lại tố cáo T. cho vay với lãi suất quá cao và đã ép vợ chồng ông vào đường cùng nên ông tìm đến cái chết. Hiện vụ việc đang được Công an Q.Gò Vấp điều tra làm rõ.
Theo tìm hiểu, một phụ nữ (xin được giấu tên) ngụ Q.Gò Vấp cũng đang là nạn nhân của T. Tiếp chúng tôi với khuôn mặt gầy gò, lo lắng bà nói: “Hôm nào chưa góp tiền thì vợ chồng T. qua tận nhà la ó, chửi mắng gây áp lực cho tôi, lấy con tôi ra đe dọa. Thực sự tôi đã không còn khả năng trả nợ với cách tính lãi suất 30%/tháng”.
Theo lời người phụ nữ này, cách đây gần 2 năm bà mượn Q. (vợ của T., đang buôn bán tại chợ Căn Cứ P.7, Gò Vấp) 10 triệu đồng và phải góp 200.000 đồng/ngày và trong vòng 75 ngày. Qua 75 ngày, người phụ nữ phải góp cho vợ chồng T. 15 triệu đồng. Sau đó, người này tiếp tục mượn lại 20 triệu và phải trả góp 400.000 đồng/ngày và trong vòng 70 ngày. Do công việc buôn bán ế ẩm, thiếu tiền góp thì bị vợ chồng T. cộng vào tiền gốc rồi tính lãi suất. Tiền nợ cứ thế tăng lên 70 triệu rồi 90 triệu và 150 triệu. Cách đây 2 tháng, vợ chồng T. kêu người này ra phòng công chứng ký giấy vay nợ 150 triệu đồng.
“Từ khi ký giấy nợ, ngày nào vợ chồng T. cũng qua lấy 1,3 triệu đồng. Nếu không có, T. to tiếng dọa đủ thứ để tôi phải chạy bằng được tiền để trả lãi” - người phụ nữ này kể với giọng sợ hãi.