Câu hỏi này phụ thuộc vào tình hình cá nhân và mục tiêu tiết kiệm của bạn. Có thể bạn tiết kiệm để mua nhà, đầu tư giáo dục cho con cái hoặc tiết kiệm cho lúc nghỉ hưu. Bạn cũng có thể ở hoàn cảnh không thể tiết kiệm – đang mắc nợ hoặc nhiều khoản thiết yếu cần chi tiêu. Dưới đây là những lời khuyên cho bạn giúp giải đáp câu hỏi này:
1. Hãy thực tế và linh hoạt
Để biết được mình nên tiết kiệm bao nhiêu, bạn cần tổng hợp thu nhập mỗi tháng là bao nhiêu và chúng được tiêu vào những khoản gì. Sau đó, bạn có thể quyết định cắt giảm khoản nào và tiết kiệm bao nhiêu mỗi tháng.
Bạn tiết kiệm được bao nhiêu còn phụ thuộc vào việc bạn bắt đầu tiết kiệm từ bao giờ. Bạn tiết kiệm càng sớm thì khoản tiền để dư được sẽ càng nhiều và mỗi tháng bạn chỉ cần bỏ ra một khoản ít hơn.
Nếu bạn đang để dành cho lúc nghỉ hưu, bạn cần cân nhắc mình muốn có một cuộc sống như thế nào khi nghỉ hưu. Tiết kiệm thế nào còn phụ thuộc vào việc bạn muốn làm gì trong tương lai.
Nhiều người muốn đi du lịch khắp nơi, chuyển sang sinh sống ở nước ngoài hay theo đuổi những sở thích đắt đỏ khác. Có nhiều người lại muốn tiết kiệm để khởi nghiệp kinh doanh. Trong khi nhiều người chỉ muốn có một cuộc sống an nhàn, không bận tâm việc gì.
Lên kế hoạch là rất cần thiết nhưng bạn cũng cần chuẩn bị tâm lý ứng phó với những biến cố không lường trước được trong cuộc sống.
2. Chấp nhận rủi ro
Câu hỏi “làm thế nào” để tiết kiệm cũng quan trọng như “tiết kiệm bao nhiêu”.
Ý tưởng mạo hiểm hoặc “đánh cược” khoản tiết kiệm nghe có vẻ vô trách nhiệm và không nên nhưng quá cẩn thận thì cũng không phải ý hay. Giữ tất cả khoản tiền tiết kiệm dưới dạng tiền mặt sẽ hạn chế khả năng sinh lời của bạn.
Do lãi suất tiết kiệm thường ở mức thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát, giá cả thị trường trong tương lai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiết kiệm của bạn. Và điều này có nghĩa là bạn không thể có một cuộc sống sung túc lúc về già hoặc bạn phải thắt chặt hầu bao hơn mỗi tháng.
Việc chấp nhận rủi ro sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn. Điều này thông thường là đúng nhưng bạn cũng cần cân nhắc kĩ lưỡng trước khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực gì bởi bạn cũng có thể bị thua lỗ.
3. Đầu tư vào chứng khoán và cổ phiếu
Một trong những lĩnh vực đầu tư hấp dẫn là chứng khoán và cổ phiếu bởi chúng mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Từ năm 1900, lợi nhuận trung bình (lợi nhuận trên lạm phát và với cổ tức tái đầu tư) từ đầu tư ở Anh là 5% mỗi năm, cao hơn các loại hình đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu và tiền mặt.
Đầu tư vào cổ phiếu có vẻ là hành động đầu tư mạo hiểm với giá trị cổ phiếu dao động hàng ngày. Cho dù giá trị cổ phiếu có thể lên xuống nhưng đây vẫn là tài sản có khả năng luân chuyển. Cổ phiếu có thể bán lại rất nhanh trên thị trường nên ít nhất bạn có thể thu lại tiền mặt trong thời gian ngắn. Nhưng đầu tư nào cũng có rủi ro và bạn có thể thu lại lợi nhuận thấp hơn so với khoản đầu tư ban đầu. Vì vậy, bạn cần phải đầu tư thật khôn ngoan.