Sau khi biên độ tỉ giá được nới rộng từ 1% lên 2%, tỉ giá VNĐ/USD đã tăng hơn 250 đồng/USD. Lúc 14 giờ ngày 13-8, các ngân hàng mua vào 22.035 đồng/USD, bán ra 22.105 đồng/USD. So sánh mức giá này với giá USD vào đầu tháng 1-2015, tỉ giá hối đoái đã tăng 630 đồng/USD, tương đương 3%.
Chị Lê Thị Minh ( ngụ quận 1, TP HCM) cho biết đầu năm 2015, chị mua USD với giá 21.400 đồng rồi gửi tiết kiệm với lãi suất 0,75%/năm (0,06%/tháng). Thế nhưng đến nay chị mới thấy rằng cất USD không lợi bằng tiền đồng. Chị Minh tính toán: Nếu gửi tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 7%/năm, tính ra trong 7 tháng mức sinh lời là 4%, còn nếu nắm giữ USD chỉ được 3,4%.
Giới kinh doanh ngoại tệ cho biết dù giá USD trong 2 ngày qua tăng mạnh nhưng thị trường không có hiện tượng thu gom ngoại tệ. Thậm chí, một số NH còn cho hay ngày đầu tiên (12-8) nới biên độ tỉ giá, các tổ chức, cá nhân ồ ạt bán USD và đến sáng 13-8 một số doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa mới bắt đầu mua USD.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng việc nắm giữ USD không chỉ sinh lời mà còn đối mặt với nhiều rủi ro khác. Bởi lẽ, pháp luật không cho phép người dân mua - bán ngoại tệ bên ngoài ngân hàng. Mặt khác, tỉ giá thường biến động khó lường, thường chạy theo theo nhu cầu mang tính thời vụ của các doanh nghiệp, hoặc các diễn biến bất ngờ trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Để khuyến khích người dân nắm giữ VNĐ, có ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tiền gửi. Thế nhưng, TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Thuế - Hải quan, Trường Đại học Tài chính Maketing TPHCM, lại phản bác lãi suất đầu vào tăng lên sẽ kéo lãi suất cho vay đi lên, vượt sức chịu đựng của nền kinh tế.
Theo ông Thuận, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm trần lãi tiền gửi USD xuống còn 0,5%/năm, nhằm tạo khoảng cách lãi suất VN và USD lớn hơn đề người dân nhận thấy việc găm giữ VNĐ sinh lời nhiều hơn USD. Tuy nhiên, điều mà Ngân hàng nhà nước cần tính đến là khi giảm thêm lãi suất USD, nhiều khả năng tiền gửi USD sẽ chảy vào các ngân hàng lớn và uy tín, vô hình trung tạo ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Dự trữ ngoại hối 40 tỉ USD
Trao đổi với báo giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Tình đến cuối tháng 7-2015, dự trữ ngoại hối đã đạt 37 tỉ USD . Đây là số dự trữ bằng ngoại tệ, tiền tươi thóc thật. Còn nếu tính cả các khoản khác như vàng, tiền gửi của Kho bạc, của các tổ chức tín dụng ở Ngân hàng Nhà nước (không phải bằng tiền đồng)... thì khoảng 40 tỉ USD, riêng vàng là 10 tấn.