Như đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp gần Tết Nguyên đán, các máy ATM tại các khu công nghiệp, trung tâm thương mại thường gặp trục trặc, hết tiền... dù trước đó, các ngân hàng thương mại đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt.
Khó tránh sự cố
Từ đầu tháng 1-2015, hầu hết các NH thương mại đã tiến hành bảo trì, kiểm tra hệ thống ATM khá kỹ lưỡng. Lãnh đạo NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết đã chuẩn bị lực lượng thường trực trong suốt thời gian nghỉ Tết để kịp thời khắc phục khi ATM sự cố. Riêng máy ATM đặt tại các phòng giao dịch, chi nhánh của Eximbank luôn có bộ phận kỹ thuật, tiếp quỹ khi máy hết tiền hoặc hư hỏng.
Ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng phòng máy ATM NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh TP HCM, cũng cho hay từ 20 tháng Chạp (ngày 8-2), Vietcombank đã tăng gấp đôi số lượng nhân viên, tăng xe tiếp quỹ lên 10 chiếc, thành lập thêm 2 nhóm xử lý sự cố, tăng giờ làm việc mảng ATM đến 21 giờ....
Nhiều NH dự báo hệ thống ATM sẽ không chịu nhiều áp lực bởi năm nay nghỉ Tết sớm, các doanh nghiệp (DN) không tập trung trả lương vào các ngày sát Tết như các năm trước mà chủ động dàn trải ra từ vài ngày trước. Một số NH phối hợp với các DN trú đóng tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất chia thời điểm chi trả lương vào nhiều ngày khác nhau, thậm chí không chi trả lương cho nhiều DN cùng một thời điểm trong ngày.
Tuy vậy, điều mà nhiều chủ thẻ luôn lo ngại là từ ngày 15-2 (27 tháng Chạp), nếu ATM gặp sự cố trên diện rộng thì không ít người không kịp rút tiền đề về quê. Bởi thực tế máy ở ATM ở các tỉnh lẻ rất ít buộc chủ thẻ phải tranh thủ rút tiền tại các máy ATM ở TP HCM.
Để giải quyết các vấn liên quan đến ATM, NH Nhà nước đã ban hành Thông tư 36/2012/TT-NHNN về bảo đảm an toàn hoạt động ATM. Theo đó, các NH phải xây dựng quy trình vận hành, bảo dưỡng, giám sát bảo đảm máy ATM đủ tiền; xử lý trục trặc giao dịch của chủ thẻ trong vòng từ 5 -7 ngày…
Cuối tháng 1-2015, NH Nhà nước cũng yêu cầu các NH thương mại bảo đảm hệ thống ATM hoạt động thông suốt, tiếp quỹ đầy đủ... trong dịp Tết Ất Mùi. Mặt khác, NH Nhà nước còn công bố sẽ tiến hành kiểm và xử phạt 15 triệu đồng đối với NH có máy ATM bị trục trặc nhưng không kịp khắc phục trong vòng 24 giờ.
Một lãnh đạo NH Nhà nước cho biết để giảm thiểu ATM quá tải, các NH thương mại nên cử nhân viên đến DN để trực tiếp chi trả lương tháng 2-1015 cho người lao động.
Cần ban hành chuẩn mực công nghệ
Nhiều ý kiến cho rằng những chế tài của NH Nhà nước đưa ra chỉ mới giải quyết được phần ngọn bởi không phải NH nào cũng đủ sức để tuân thủ được. Ngay cả NH Nhà nước cũng chưa đủ sức lực để kiểm tra, giám sát hệ thống ATM của từng NH. Khi báo chí phản ánh giao dịch ATM bị trục trặc, NH Nhà nước thường yêu cầu các NH thương mại giải trình là chính. Thậm chí khi máy ATM hết tiền cũng không đủ chứng cứ xử phạt vì hệ thống công nghệ do NH kiểm soát, thời điểm hết máy ATM hết tiền có thể bị điều chỉnh bất cứ lúc nào.
Theo các NH, để trở thành thành viên của các tổ chức Visa, Master Card… NH phát hành thẻ phải đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ, chất lượng sử dụng đường truyền, giải pháp mã hóa chống đánh cắp dữ liệu, bảo mật thông tin…. Hằng năm, Visa, Master Card... tiến hành kiểm tra, yêu cầu NH thành viên nâng cấp, khắc phục mọi yếu tố liên quan đến hệ thống giao dịch.
Trong khi đó, tại Việt Nam, khi các NH kết nối ATM thông qua thông qua hai trung tâm chuyển mạch là Banknet và Smartlink, cơ quan quản lý không đặt ra tiêu chuẩn nào về hạ tầng kỹ thuật. Chính vì vậy, công nghệ ATM của nhiều NH không đồng đều khiến sự cố giao dịch thường xuyên xảy ra. Thậm chí, một số NH đầu tư hệ thống ATM chỉ để hưởng ứng chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, chi trả lương qua thẻ…
Do đó, việc gốc rễ cần làm để tránh nghẽn mạch hay trục trặc vào thời gian cao điểm, giảm thiểu phiền toái cho chủ thẻ là NH Nhà nước xây dựng tiêu chuẩn về công nghệ ATM; đưa ra các biện pháp chế tài đối NH chưa thực hiện đúng các quy định về hệ thống ATM, kể cả Banknet và Smartlink.