Theo đó, từ 5-8, số tiền được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức (phần lớn là ngân hàng) tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng. Như vậy, sau hơn chục năm với nhiều ý kiến và đề xuất, việc nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi đã chính thức được chấp thuận.
Trước đó, theo quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được áp tối đa là 30 triệu đồng (năm 1999), rồi được nâng lên tối đa 50 triệu đồng (năm 2005) áp dụng cho đến nay.
Quyền lợi của người gửi tiền sẽ được bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng cùng nhau đảm bảo
Theo quy định, các ngân hàng thương mại phải mua bảo hiểm tiền gửi từ Công ty TNHH Một thành viên Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV- trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Khi ngân hàng thương mại gặp khó khó khăn trong việc thanh toán cho người gửi tiền (bao gồm vốn gốc và tiền lãi) thì DIV đứng ra chi trả cho người gửi với số tiền 75 triệu đồng.
Thế nhưng, không ít người gửi tiền thắc mắc: Giả sử họ gửi ngân hàng 100 triệu đồng thậm chí nhiều tỉ đồng, DIV chi trả tối đa 75 triệu đồng, vậy số tiền còn lại trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng việc tăng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi là tăng thêm trách nhiệm của DIV, đồng thời ngân hàng thương mại cũng phải tăng thêm chi phí mua bảo hiểm tiền gửi. Sau khi DIV chi trả số tiền bảo hiểm tối đa cho người gửi, số tiền phải trả còn lại thuộc vê trách nhiệm của các ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng luôn bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền.
"Thực tế cho thấy trong các năm gần đây, một số ngân hàng thương mại đã bị xóa tên, sáp nhập vào ngân hàng khác hoặc chuyển đổi thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên song người gửi tiền vẫn được các ngân hàng này chi trả vốn vào lãi đều đặn"- tổng giám đốc một ngân hàng ở TP HCM nói.