Ngân hàng Nhà nước làm gì để lặng sóng lần này và có điều chỉnh tỉ giá nữa hay không, mức độ điều chỉnh là bao nhiêu và bao giờ sẽ điều chỉnh?
Một tuần sau quyết định điều chỉnh 1% tỉ giá (ngày 7-5), tỉ giá lại bật tăng trở lại với bước tiến khá mạnh và gần sát trần biên độ mới cho phép của Ngân hàng Nhà nước (21.890 đồng/USD).
Tiếp nối đà tăng chiều qua, sáng nay (15-5), giá USD mua vào của các ngân hàng đã tăng khoảng 50 – 60 đồng/USD và bán ra tăng khoảng 40 đồng/USD. Giá giao dịch cao nhất hiện nay là 21.765-21.840 đồng/USD.
Nhu cầu có thật
Những lần trước, sau quyết định điều chỉnh, đà tăng tỉ giá bị triệt tiêu và đưa tỉ giá về mặt bằng giá thấp hơn hẳn so với trước. Nhưng lần này diễn biến tỉ giá có vẻ khác hơn. Chỉ sau 2 ngày có trần mới, tỉ giá đã tăng trở lại với mức điều chỉnh nhẹ, khoảng 5 - 10 đồng/USD mỗi phiên và giao dịch cũng khá sôi động.
Xu hướng tăng lại bắt đầu từ ngày 11-5 khi tỉ giá điều chỉnh khoảng 5 – 10 đồng/USD và mức điều chỉnh được nâng lên trong ngày 12-5 với biến động từ 10-30 đồng. Các phiên sau đó vẫn tiếp tục được điều chỉnh tăng nhẹ và đột ngột tăng mạnh vào chiều ngày 14-5 khi tỉ giá USD/VND được giao dịch cao nhất ở mức 21.710 - 21.800 đồng, tăng từ 20 - 35 đồng so với phiên buổi sáng. Thậm chí, đến cuối giờ chiều qua, mức giá giao dịch tại một vài ngân hàng còn lên đến 21.840 đồng/USD.
Bình luận về diễn biến giá USD, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, cho rằng cần phải xem nguyện nhân cơ bản là gì, thực tế kinh tế tài chính trong và ngoài nước hay tâm lý kỳ vọng?
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, cho rằng biến động lên xuống của giá USD là bình thường của thị trường. Thực tế, sau khi điều chỉnh tỉ giá, thị trường đã ổn định hơn.
“Việc giao dịch USD vẫn sôi động là vì vẫn vào chu kỳ kinh doanh quý II của doanh nghiệp và là câu chuyện của thị trường nên không có gì đang ngại. Thực tế, cung cầu vẫn ổn, cán cân thanh toán trong nước vẫn thặng dư” - ông Lực phân tích.
Theo ông Lực, sóng USD lần này Ngân hàng Nhà nước chưa cần phải bán ra thị trường để can thiệp vì giá vẫn chưa lên kịch trần, thị trường vẫn chưa rơi vào trạng thái khan hiếm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu không đồng tình với quan điểm này và cho rằng để lặng sóng, Ngân hàng Nhà nước cần phải bán USD.
“Ngân hàng Nhà nước cần phải can thiệp thị trường ngoại hối bằng dự trữ ngoại hối. Có thể, dự trữ ngoại hối hiện đang rất mỏng nhưng vẫn phải bán ra. Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu để tăng lượng USD thu về” - ông Hiếu phân tích.
Theo ông Hiếu, diễn biến tỉ giá hiện nay không chỉ là yếu tố tâm lý đầu cơ. “Mỗi lần có biến động tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đều đưa lý do tâm lý đầu cơ ra để giải thích và biện luận cho việc không điều chỉnh tỉ giá. Nhưng lần này thì không phải vậy. Áp lực tỉ giá không chỉ từ bên ngoài mà còn có cả yếu tố vĩ mô, đó là nợ công, nhập siêu. Cùng với đó, các đồng tiền trên thế giới đang bị phá giá so với đồng USD” - ông Hiếu bình luận.
Có điều chỉnh tỉ giá hay không?
Có lẽ vấn đề thị trường quan tâm nhất hiện nay là tỉ giá có điều chỉnh nữa hay không và bao giờ thì điều chỉnh? Đây là câu hỏi mà Ngân hàng Nhà nước bỏ ngỏ sau lần điều chỉnh tỉ giá mới đây nhất.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh tỉ giá ngay, vì vừa mới điều chỉnh cách đây 1 tuần. Nếu quyết định điều chỉnh ngay sẽ không hợp lý vì nền kinh tế sẽ bị biến động mạnh.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang phải đối phó với tình huống khó khăn vì đã sài hết quota và không muốn điều chỉnh thêm nữa. Nhưng với áp lực hiện nay, từ nay đến cuối năm việc điều hành tỉ giá là rất khó khăn.
Trước hết, đó là nguồn dự trữ ngoại hối đang mỏng. “Ngân hàng Nhà nước cần phải tăng cường dự trữ ngoại hối bằng cách mua vào ngoại tệ. Cùng với đó, các doanh nghiệp nhập khẩu phải lên kế hoạch mua vật liệu, hàng hóa bằng ngoại tệ một cách hợp lý hơn. Doanh nghiệp và đại bộ phân dân chúng cần phải xem lại cách tiêu dùng, nhất là việc dùng hàng nhập khẩu. Thực tế, câu chuyện tỉ giá không chỉ của Ngân hàng Nhà nước mà của xã hội” - ông Hiếu nhận định.
Một áp lực nữa đó là nhu cầu vay dự trữ ngoại hối của Chính phủ. Theo ông Hiếu, đây là điều không bình thường. Hơn nữa, việc Chính phủ vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước là vay ngắn hạn hay vay dài hạn.
“Nếu nhu cầu trả nợ gấp một khoản nào đó và Chính phủ chỉ vay ngắn hạn thì hợp lý và phải có nguồn để trả ngay cho Ngân hàng Nhà nước. Nếu vay dài hạn thì phải cân nhắc vì trong điều kiện tỉ giá biến động, Ngân hàng Nhà nước cần phải có nguồn để ổn định thị trường. Thực tế, Chính phủ nên cân nhắc việc có nên vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước hay không” - ông Hiếu bình luận.
Với những áp lực đó, ông Hiếu cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên linh hoạt trong việc điều chỉnh tỉ giá. “Thực tế, việc dùng thêm 1% nữa chưa chắc đã đủ dùng, nhưng cơ quan này đến xem xét biến động của thị trường trong thời gian tới để cân nhắc và có quyết định kịp thời” - ông Hiếu bình luận.
Ông Lực cũng cho rằng từ nay đến cuối năm, việc điều hành tỉ giá sẽ khó khăn hơn, bởi yếu tố bên ngoài diễn biến không thuận lợi, như giá dầu, tỉ giá USD.
“Hiện “room” điều chỉnh đã hết, mặc dù Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều chỉnh linh hoạt, dẫn dắt thị trường, nhưng nếu thị trường có biến động bất lợi, đòi hỏi những điều chỉnh khác thì cần phải có tính toán cân nhắc và có thông điệp cụ thể với thị trường” - ông Lực nhận định.
Về vấn đề này, ông Ánh cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên giành quyền chủ động về điều hành tỉ giá hối đoái, không nhất thiết phải cứng nhắc trong biên độ 2% mà còn có những lựa chọn khác để bổ sung, phối hợp can thiệp, không nhất thiết mỗi khi có áp lực lại tăng tỉ giá, mà còn nhiều công cụ khác như bán ngoại tệ, thậm chí kể cả các công cụ hành chính…
Dù vậy, nhiều tổ chức đã dự đoán biên độ điều chỉnh tỉ giá. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), VND cần được cho phép trượt giá 3-4% một năm trong 2-3 năm, thông qua nhiều bước với biên độ 1-1.5%.
CTCK TP HCM (HSC) cũng ước tính tỉ giá sẽ được điều chỉnh tăng 3-4% trong 2015 và dự báo thâm hụt thương mại lên 5-6 tỉ USD.