Trong chuyến thăm và làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cuối tháng 2-2016 vừa qua, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), đã đánh giá cao vai trò của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong việc điều hành chính sách tiền tệ với sự ngưỡng mộ. Việc thống đốc được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị đã thể hiện sự ghi nhận những thành quả mà ngành ngân hàng đạt được dưới sự chỉ đạo của ông.
Chủ tịch WB tin tưởng trên cương vị mới, Thống đốc NHNN sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công, chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Ông Jim Yong Kim nói: “Chúng tôi đặc biệt muốn gửi lời chúc mừng thống đốc về việc ông đã quản lý rất xuất sắc NH Trung ương của Việt Nam, ban hành những chính sách nhằm làm giảm lạm phát. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với những cải cách trong ngành NH. Chúng tôi cũng đã theo dõi quá trình điều hành chính sách tiền tệ của ông trong thời gian qua và vô cùng ngưỡng mộ”.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, nhấn mạnh nhu cầu vốn được đáp ứng, tín dụng tăng trưởng tốt, lãi suất được điều chỉnh giảm đã hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cho rằng trong năm 2015, chính sách tiền tệ và tỉ giá là hai yếu tố quan trọng góp phần vào những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô, bà Victoria KwaKwa khẳng định: “Trong thời gian vừa qua, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp nhất trong một thời gian dài. Nhìn chung, chính sách tiền tệ đã thành công với việc ngày càng linh hoạt hơn, hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế và không gây áp lực lên lạm phát. Đặc biệt, chính sách tỉ giá của NHNN đã đi đúng hướng. Một cách ngắn gọn, WB đánh giá chính sách tiền tệ và tỉ giá là tích cực”.
Bằng việc đưa ra hàng loạt chính sách, cơ chế, thiết lập “kỷ luật thép”, ông Bình và NHNN đã chèo lái, đưa một nền tiền tệ thiếu kỷ cương, tín dụng bùng nổ nhưng thiếu kiểm soát thoát ra khỏi cơn sinh tử và phát triển ổn định. Ảnh minh họa
Về phía truyền thông quốc tế, hãng tin Reuters tháng 1 vừa qua nhận định việc Thống đốc Nguyễn Văn Bình trở thành Ủy viên Bộ Chính trị là một hiện tượng bởi đã có gương mặt kỹ trị trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Hãng tin này nhấn mạnh đây là dấu hiệu của giai đoạn cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn.
Reuters đánh giá ông Bình là một gương mặt kỹ trị đáng nể, đã có công ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống NH sau khi khoản nợ xấu lớn bắt đầu lây lan, làm rung chuyển thị trường và xóa sổ hàng chục ngàn doanh nghiệp vào năm 2011. Ở thời điểm hiện tại, việc tiến hành cải tổ kinh tế cần những nhà quản lý kỹ trị như vậy và ông Bình, người được đào tạo bài bản, được coi là một lựa chọn đáng tin cậy, có năng lực. “VNĐ hiện nay là một trong những đồng tiền tệ ổn định nhất ở Nam Á, giảm khoảng 4,9% trong năm 2015 so với mức 2 con số ở những quốc gia khác” - Reuters nhận định.
Chứng kiến và cảm nhận rõ rệt sự thay đổi tích cực của cả nền kinh tế nói chung và ngành NH nói riêng trong 5 năm trở lại đây, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Standard Chatered Bank, nói: “Tôi đánh giá tích cực cách thức mà Chính phủ và NHNN đã điều hành lĩnh vực NH và nền kinh tế thoát khỏi thời kỳ bất ổn và chuyển sang một giai đoạn khá ổn định hiện nay. Cơ quan quản lý đã rất nỗ lực trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định tỉ giá, giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực NH, điều này đã góp phần mang tới sự ổn định”.
Còn bà Natasha Ansell, Tổng giám đốc Citi Bank Việt Nam, nhận xét chính sách tiền tệ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành kinh tế, nhờ đó, ngành NH đã hỗ trợ việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. “Việt Nam đã thành công trong việc thu hút khoảng 10 tỉ USD hằng năm từ các nhà đầu tư quốc tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho không chỉ Việt Nam mà còn khu vực. So sánh với các quốc gia láng giềng, môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn và chính sự điều hành của NHNN về lãi suất và ngoại tệ đóng góp một phần không nhỏ” - Bà nhìn nhận.
5 năm qua, ngành NH đã thực hiện nhiệm vụ có những bước đột phá nhờ hành động - khoa học và quyết liệt trong việc đảm bảo tính thanh khoản, lành mạnh hóa hệ thống, điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá, lãi suất cho vay.
Các chuyên gia trong nước nhận định hệ thống NH trước đây được ví như các cầu thủ nghiệp dư, nay thống đốc đã nâng tầm ngành NH lên sân chơi chuyên nghiệp, nhờ cách điều hành “kỹ trị”, một xu hướng điều hành đang tạo ra hiệu quả rõ rệt ở các nước trên thế giới. Việc ông Bình trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, lĩnh vực NH và kinh tế vĩ mô được trông đợi là có nhiều cải cách, đặc biệt duy trì được sự ổn định trước bối cảnh quốc tế có nhiều biến động. Bởi, sự bất ổn của hệ thống NH sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế vĩ mô và an ninh- trật tự xã hội.
Để đưa ra nhận định như vậy, các chuyên gia quốc tế hoàn toàn có căn cứ, đó là dựa trên thực tế điều hành của Thống đốc Nguyễn Văn Bình giai đoạn từ 2011 đến nay. Bằng việc đưa ra hàng loạt chính sách, cơ chế, thiết lập “kỷ luật thép”, ông Bình và NHNN đã chèo lái, đưa một nền tiền tệ thiếu kỷ cương, tín dụng bùng nổ nhưng thiếu kiểm soát thoát ra khỏi cơn sinh tử và phát triển ổn định.
Đặc biệt là hiệu quả trong chấn chỉnh lại thị trường vàng, sáp nhập hàng loạt NH, mua lại một số NH với giá 0 đồng, không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, giảm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên, dòng vốn tín dụng được khơi thông, vừa tái cấu trúc ngành NH, vừa củng cố thanh khoản xử lý các NH yếu kém và xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa các NH thương mại nhằm chấn chỉnh quản trị rủi ro, chấn chỉnh kỷ cương – kỷ luật trên thị trường tài chính……
Trong thời gian tới, người dân mong muốn kiến trúc sư trưởng ngành NH duy trì được kết quả hiện tại và xa hơn, họ mong muốn người lãnh đạo hành động để tái cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam để thị trường này phát triển và hội nhập.