Theo ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng phải tiết kiệm chi phí, thậm chí hạ chỉ tiêu lợi nhuận. Cụ thể, đối với khoản vay trung và dài hạn, ngân hàng cho vay với lãi suất không vượt quá 10%/năm. Riêng các dự án sản xuất kinh doanh tốt, lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 1%/năm.
Cùng ngày, lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo bắt đầu cho vay trung và dài hạn, lãi suất không quá 10%/năm đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao)
Ngoài ra, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết hưởng ứng theo lời hiệu triệu của Thủ tướng chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn VNĐ về tối đa 10% trong thời gian 1 năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh; đồng thời dành gói ngân sách khoảng 300 tỉ đồng (có được từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hoá quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh) để hỗ trợ doanh nghiệp trong phương án kinh doanh và nâng cao chất lượng tín dụng.
Với gói giải pháp này từ Vietcombank, các doanh nghiệp không những được hưởng lợi từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng mà còn được ngân hàng hỗ trợ để triển khai phương án kinh doanh với hiệu quả tối ưu, phát triển hoạt động sản xuất góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) đối với các lĩnh vực ưu tiên đang ở mức 6-7%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.