Đã hơn hai năm kể từ khi câu chuyện tất toán trạng thái vàng kết thúc, dư âm vẫn còn. Rủi ro khách quan có, chủ quan có, và nhìn chung là đều nặng nề.
Hơn hai năm trước, rủi ro trong tất toán trạng thái vàng được chú ý ở Ngân hàng Á Châu (ACB), lên tới cả nghìn tỉ. Nhưng đến nay, ít nhất về mặt thông tin công bố, ACB vẫn vững vàng và đang trở lại, dù cùng với vàng họ còn chịu cả ảnh hưởng lớn từ sự cố pháp lý.
Rộng hơn, cả hệ thống, việc tất toán trạng thái và loại vốn vàng ra khỏi huy động - cho vay đã thành công. Ở chỗ, hàng trăm nghìn tỉ đồng từ vốn vàng được tách ra nhưng không gây sụp lún hay xáo trộn lớn trong cơ cấu tài sản của hệ thống nói chung - điều có ảnh hưởng trực tiếp tới thanh khoản và lãi suất.
“Nó lú nhưng chú nó khôn”
Nhưng rủi ro từ vàng đối với hoạt động ngân hàng đến nay vẫn còn tươi mới. Có những bước đi trước đây đến nay mới thấy “trượt”.
Khi nhìn lại rủi ro này, một lãnh đạo doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực kinh doanh vàng cho rằng cần nhìn nhận một cách toàn diện hơn.
Thứ nhất, trước đây, cơ chế cho phép ngân hàng đó (hoặc những ngân hàng đó) được chuyển đổi vốn vàng huy động sang tiền đồng để kinh doanh. Lãi suất huy động vàng rất thấp, trong khi lãi suất cho vay tiền đồng những năm trước rất cao. Lợi nhuận nằm ở tín dụng. Nên khi nói rủi ro vốn vàng cần xét đến ở điểm này nữa để xác định mức độ thực tế.
Thứ hai, tình huống rủi ro vốn vàng vẫn có thể còn kéo dài đến nay.
Những năm trước, có những trường hợp ngân hàng cho vay vốn vàng với kỳ hạn rất dài, cỡ chục năm đến vài chục năm. Vốn vàng lần lượt trở về và đáo hạn, trong khi trạng thái đã buộc phải tất toán xong từ vài năm trước. Giá vàng đã giảm rất sâu so với trước, rủi ro giá trị nhận về nằm ở đó.
Thứ ba, cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp trên, kinh doanh vàng có rủi ro, khách quan thì đã đành, nhưng có những yếu tố chủ quan mà việc phải trả giá về sau là bình thường.
Chủ quan ở đâu? Vị lãnh đạo trên nêu tình huống: năm 2012 trở về trước, kinh doanh vàng là điểm nóng trong hoạt động của một nhóm ngân hàng, nhất là áp lực tất toán trạng thái. Ngân hàng thường có đại lý, có thể là công ty có mối quan hệ sở hữu.
Trong một giai đoạn, một (hoặc các) đại lý đó gom mua vàng cho ngân hàng. Tình huống đặt ra, sau khi mua, giá vàng lên, giao dịch đó có lãi và hiện thực hóa lợi nhuận; ngược lại, sau khi mua, giá giảm mạnh và rủi ro bộc lộ, đại lý chuyển rủi ro đó cho ngân hàng như cách của một người được ủy quyền đi mua hộ.
Trong tình huống trên, nói chệch theo một câu gần gũi trong dân gian: “Nó lú nhưng chú nó khôn”. Thay vì đại lý đó lỗ vì giá rơi, thì đã có cửa để chuyển lỗ sang “chú” là ngân hàng (?).
Liệu có tình huống trên hay không, mối quan hệ giữa ngân hàng và đại lý, quan hệ sở hữu trong đó như thế nào, cơ chế giao dịch và hạch toán… hẳn đã được cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước tìm hiểu, là một tình huống đáng để tìm hiểu.
Với mức độ công khai có hạn, nhất là các kết luận thanh tra ngân hàng thuộc diện nhạy cảm và được phép hạn chế thông tin, nên tình huống “chú nó khôn” như trên có ở thực tế nào hay không, hiện chưa được nêu cụ thể.
Tín dụng cũng có một thời…
Tình huống “chú nó khôn” cũng có trong hoạt động cho vay, sử dụng vốn của một số ngân hàng thương mại trước đây.
Sau khi rời ngành, mới đây, một người từng nhiều năm làm lãnh đạo một số ngân hàng thương mại chia sẻ với VnEconomy rằng: “Qua gần hai mươi năm trong ngành, điều tôi nghĩ là cần thiết nhưng không thể, là “bao giờ trở lại ngày xưa”?”.
Đó là hơn chục năm về trước, phần lớn các ngân hàng thương mại vốn chỉ vài ba trăm tỷ. Quy mô nhỏ gọn và phù hợp với mức độ quản trị điều hành. Thông thường, nhỏ thì dễ quản lý và giám sát.
Nhưng rồi, chỉ trong vòng ba năm sau, với việc chuyển đổi loạt ngân hàng nông thôn lên đô thị và yêu cầu vốn pháp định, họ buộc phải nâng vốn lên gấp cả chục lần, thậm chí vài chục lần. Một sự mở rộng quá lớn và quá nhanh trong khi cấp độ quản lý điều hành còn nhỏ chỉ mới vài năm về trước.
Theo nhìn nhận của người trong cuộc trên, vấn đề là khi quy mô vốn đột ngột tăng rất cao, ngân hàng không thể mở rộng ngay một cách tương ứng các kênh và hoạt động sinh lời. Vốn góp chịu áp lực cổ tức, vốn góp từ vay mượn càng nhiều áp lực.
Cách chủ yếu nhất, truyền thống nhất (thậm chí cho đến nay) là đẩy mạnh tín dụng.
Hoạt động ngân hàng đã cho thấy những năm sau đó tín dụng bùng nổ, cao điểm tới trên 50%. Và cũng rất sôi động là hoạt động cho vay trên liên ngân hàng, nơi mà tình huống “chú nó khôn” cũng phảng phất.
Tương tự như tình huống vốn vàng nói trên, ngân hàng có quan hệ sở hữu khi gặp bí bách trong đẩy mạnh tín dụng, nhất là với những trường hợp mới mở rộng và chưa có nền tảng khách hàng lớn, họ dựa vào liên ngân hàng.
Cao điểm những năm 2010 - 2011, thị trường liên ngân hàng xuất hiện tình huống mà người trong ngành vẫn gọi là “chim mồi” về vốn và đẩy lãi suất. Lợi nhuận từ kênh này là đáng kể, thậm chí có những ngân hàng sống khỏe nhờ đó.
Chính sách can thiệp
Dĩ nhiên là nhà điều hành thấy những bất cập đó, để rồi vào cuộc.
Từ năm 2012 đến nay, dù còn những dư âm, nhưng câu chuyện vốn vàng cơ bản đã chấm dứt trong hoạt động huy động - cho vay của các ngân hàng thương mại.
Cũng từ năm 2012, chuyện này trên liên ngân hàng cũng bị siết hẳn lại. Đó là sự ra đời của Thông tư 21 ngày 18/6/2012, thay đổi hẳn luật chơi trên thị trường này, chuyển các hoạt động tiền gửi sang cho vay.
Và đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa được dòng vốn vay mượn trên đó vào ghi nhận cụ thể là tín dụng, gắn với những quy định an toàn chặt chẽ hơn.
Và cơ bản hơn nữa, với Thông tư 36, chuyện kiểu “chú nó khôn” trong hoạt động ngân hàng được kỳ vọng sẽ hạn chế một cách sâu xa hơn bằng xử lý các mối quan hệ sở hữu chéo trong hệ thống.
Kỳ báo cáo của các ngân hàng nửa đầu năm nay cũng cho thấy một điểm rất rõ: tổng tài sản của nhiều thành viên tiếp tục giảm, mà nguyên nhân chủ yếu là bớt gửi - vay trên liên ngân hàng.
Ngược lại, tín dụng cho nền kinh tế đã có cải thiện, tăng trưởng mạnh hơn, đến 25/8/2015 đã tăng 9,54% so với cuối 2014. Nói là cải thiện vì đi cùng với tăng trưởng là chủ đích lái vốn cũng thể hiện: các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng khá, như với nông nghiệp nông thôn tăng 9%, với xuất khẩu tăng 4,99%, lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 29,12%.
Đặc biệt, sau một thời gian dài chỉ tăng trưởng âm hoặc ở mức rất thấp, tăng trưởng tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã nhích lên rõ hơn với 4,07%.