Người quản lý ngân hàng Mutiara Trash ở TP Makassa, Suryana cho biết: “Chương trình đổi rác lấy tiền này bắt nguồn từ người dân, được người dân quản lý và mục đích là đem lại lợi ích cho họ”.
Mỗi ngày, thành phố với 2,5 triệu dân này thải ra 800 tấn rác. Tất cả rác thải này đều được đưa về bãi rác khổng lồ với diện tích của khoảng 2 sân vận động bóng đá. Tại đây, nhiều người nghèo khó, có cả trẻ em, tìm và thu nhặt những vật dụng có thể tái sử dụng bên cạnh những con bò len mình vào đống rác thải để tìm thức ăn.
Vấn đề này đã được giải quyết bằng phương án Trash Banking (tạm dịch: Ngân hàng thu mua rác). Người dân đã có thể đem những chai nhựa, giấy, bao bì đã qua sử dụng đến những điểm thu gom-cũng chính là những ngân hàng nói trên, để đổi rác thành tiền. Tại đây, khách hàng cũng có thể mở tài khoản, ký quỹ tiết kiệm bằng “rác” để quy đổi thành Rupiah (tiền Indonesia) và định kỳ rút tiền như những ngân hàng bình thường khác
Chính phủ cam kết sẽ niêm yết giá mua “rác” tại những điểm thu mua và hứa sẽ duy trì mức giá ổn định để người dân tiếp tục sử dụng dịch vụ tại đây. Những rác thải tái chế này sau đó sẽ được bán lại cho những lái buôn để vận chuyển sang đảo Java.
Thú vị hơn, tại một số ngân hàng, khách hàng còn có thể quy đổi rác thải trực tiếp thành lương thực, thẻ cào điện thoại hay thậm chí là thanh toán hóa đơn tiền điện của họ.
Ở ngân hàng rác Mutiara, nhiều chủ tài khoản đã đăng ký chương trình “giúp đỡ trẻ em làm bài tập về nhà”. Theo đó, những sinh viên, học sinh sẽ hỗ trợ những em nhỏ tuổi hơn làm bài tập về nhà và sẽ được trả lương bằng tiền mặt trực tiếp từ những ngân hàng rác.
Nhờ vào chương trình này, người thu gom rác “bán thời gian” có thể tích lũy một ngân quỹ nhỏ, từ 2000 rupiah đến 3000 rupiah (tương đương 3.500 đến 5.000 VND). Còn đối với những người dân chỉ làm công việc này quanh năm, con số quỹ tiết kiệm sẽ lớn hơn. Phụ nữ cũng có thể vay tiền tại đây, chủ yếu để mua gạo, và trả lại ngân hàng vào cuối tuần-khi chồng họ được trả lương.
“Không có ai vỡ nợ cả! Một khi người vay nợ còn sinh sống ở đây, có đủ điều kiện để trả. Họ chỉ cần mang thêm nhiều rác tái chế, những thứ có mặt khắp mọi nơi đến trả cho ngân hàng” - bà Suryana cho biết.
Suryana (phải) đưa tiền cho Sitanah - một thành viên của ngân hàng Ảnh: Dimas Ardia/Bloomberg
Đối với những khách hàng như Sitanah (chủ sở hữu một cửa hàng bán đồ tạp hóa ở gần ngân hàng thu mua rác) thì những ngân hàng này là nơi mà họ có thể đến vay tiền một cách nhanh nhất. Trên tay cầm 50.000 Rupiah vừa mới rút ra từ tài khoản tại ngân hàng rác, cô phấn khởi cho biết: “Trước đây, tôi rất nghèo khó nhưng giờ đây, tôi đã có quỹ tiết kiệm và dùng bất cứ khi nào mình muốn”.
Mỗi ngày, những chiếc xe tải của chính phủ đưa rác từ Ngân hàng Murtiara Trash Bank về phân loại tại Ngân hàng Central Trash Bank trước khi bán lại cho lái buôn.
Ary Budianto, một thương lái “mối” thu mua rác tái chế từ Central Trash Bank, cho biết: “Đây là một phương án đơn giản nhưng tuyệt vời. Giữa lúc thị trường rác biến động lên xuống, chính phủ tại đây lại bảo đảm giữ múc giá thu mua ổn định. Chất lượng rác thu mua tại đây rất tốt, và họ lại không hề gian lận với bạn”.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường Indonesia, mỗi năm nước này thải ra 64 triệu tấn rác và hơn 70% chúng được đưa đến bãi rác.
Những miếng bìa các-ton đã được phân loại ở Ngân hàng Central Trash Bank Ảnh: Dimas Ardia/Bloomberg
Mutiara là một trong số hơn 200 ngân hàng rác ở thành phố Makassa. Những ngân hàng thế này cần phải được học hỏi và áp dụng trên toàn thế giới. Năm ngoái, Indonesia có tổng cộng 2.800 ngân hàng thu mua rác hoạt động tại 129 thành phố trong cả nước với 125.000 chủ tài khoản.
Ông Sanjay K. Gupta - chuyên gia quản lý rác thải tại Công ty cố vấn Skay ở Thụy Sĩ, người nghiên cứu những dự án trên tại Indonesia và những nơi khác - cho biết: “Sự hỗ trợ của chính phủ chính là nhân tố thiết yếu làm nên thành công của những ngân hàng kiểu mới này. Những ngân hàng này không thể hoạt động khi không có sự hỗ trợ của chính quyền. Phải cần có mặt bằng và cơ sở vật chất, bạn không thể thực hiện việc thu mua ngoài trời được.”