Gần một nửa số bang tại Mỹ bắt buộc các học sinh phải tham gia khóa học quản lý tài chính cá nhân trước khi tốt nghiệp. “Tuy nhiên, việc dạy về quản lý tài chính cá nhân ở trường là quá muộn đối với bọn trẻ” - Gregg Murset, chuyên gia tài chính, đồng thời là nhà sáng lập MyJobChart.com chia sẻ.
Những hiểu biết và thói quen quản lý tiền bạc của chúng ta thường được hình thành khá sớm. Do vậy, dạy cho bọn trẻ làm quen với quản lý tiền bạc càng sớm càng tốt. Dưới đây là 7 bài học tiền bạc mà các bậc phụ huynh nên dạy con cái từ sớm nếu muốn chúng lớn lên giàu có.
Khái niệm về thu nhập
Bố mẹ càng đề cập đến khái niệm về thu nhập sớm, sẽ càng tốt cho con trẻ. Những đứa trẻ sẽ hiểu được, tiền từ đâu mà có. Chúng sẽ biết theo đuổi một công việc và làm việc chăm chỉ để kiếm tiền.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể tạo ra thu nhập cho trẻ bằng cách nghĩ ra vài việc vặt trong nhà để chúng có thể kiếm chút tiền. Hoặc cha mẹ trao thưởng thông qua điểm A, giấy khen… nhằm khuyến khích trẻ tạo ra thu nhập.
Tiết kiệm, chia sẻ và chi tiêu
Ngay khi con bạn đã hiểu được khái niệm về thu nhập, hãy dạy chúng 3 điều nên làm sau khi có thu nhập: tiết kiệm, chia sẻ và chi tiêu.
“Tiết kiệm cho tương lai, chia sẻ với các quỹ từ thiện hay những vấn đề mà bọn trẻ quan tâm và chi tiêu vào những thứ mà chúng thực sự thích hoặc muốn mua” – chuyên gia tài chính Murset nhấn mạnh.
Phân biệt thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ
Khái niệm về thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ thường rất mơ hồ đối với lũ trẻ. Bạn lôi một chiếc thẻ từ ví ra, và nó cũng giống như một tấm card, các con bạn không thể phân biệt được giá trị thực sự của chúng.
Hãy dạy cho chúng hiểu và phân biệt được thế nào là thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, mặc dù một tấm thẻ bao giờ cũng đồng nghĩa với việc tiền sẽ bị rút ra từ một tài khoản nào đó.
Vì sao có các phiếu giảm giá?
Các bậc phụ huynh nên giới thiệu cho con cái khái niệm về các phiếu giảm giá. Phiếu giảm giá sẽ giúp chúng kiểm soát thói quen mua sắm, tiết kiệm tiền khi chúng lớn hơn và phải chi tiêu bằng chính đồng tiền do chúng kiếm được.
Giá trị của sự tích lũy
Hãy dạy con bạn giá trị của sự tích lũy ngay từ khi chúng còn nhỏ. Bởi tích lũy chính là đầu tư, tích lũy giúp cho tiền đẻ ra tiền. Nếu con bạn tiết kiệm tiền thay vì chi tiêu, bạn nên động viên chúng bằng cách trả lãi cho số tiền tiết kiệm, chẳng hạn 10% lãi cho tổng số tiền tiết kiệm cả năm.
Đam mê
Tony Robbins – triệu phú, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách về làm giàu bán chạy cho rằng, điều quan trọng nhất khi dạy trẻ con, đó là khái niệm về sự đam mê.
“Nếu bạn muốn dạy lũ trẻ về cách để trở nên giàu có, cách quản lý tiền bạc hiệu quả, hãy dạy chúng theo đuổi đam mê trước. Bạn sẽ không bao giờ kiếm được tiền từ sự tự do, nhưng có thể kiếm rất nhiều tiền từ đam mê” – Robbins chia sẻ.
Sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu
Trong xã hội “vật chất” hiện nay, phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn thực sự là một điều khó nhưng lại là điều cực kỳ hữu ích, đặc biệt khi các con của bạn bắt đầu kiếm được tiền.
Nếu con bạn muốn mua một đôi giày Nikes đắt tiền vượt ngoài ngân sách của bạn. Chẳng hạn, bạn chỉ cho mua giày trong khoảng 50 USD nhưng con bạn lại muốn mua đôi giày 75 USD, hãy nói với chúng rằng: “Bố/mẹ sẵn sàng trả số tiền cho những NHU CẦU cơ bản của con. Ngân sách cho đôi giày là 50 USD, nếu con định mua đôi giày 75 USD như MONG MUỐN, con phải tự trả thêm 25 USD vượt ngân sách”.