Vàng vẫn có cơ hội tăng giá trong năm 2017
Ông đánh giá như thế nào về thị trường vàng trong giai đoạn hiện nay?
Vàng có xu hướng giảm sau khi Fed tăng lãi suất USD và nhiều dự báo cho thấy giá vàng khó tăng trong ngắn hạn. USD đã tăng giá khá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt, nhất là khi Fed nâng dự báo tốc độ tăng lãi suất trong năm 2017.
Các nhà phân tích còn cho rằng đồng bạc xanh sẽ tiếp tục tăng giá trong trung và dài hạn. Kỳ vọng các chính sách tăng chi tiêu cũng như cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kích thích lạm phát tại Mỹ, có thể khiến Fed tăng lãi suất nhanh hơn trong tương lai, qua đó hỗ trợ USD tăng giá.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng mạnh và thị trường chứng khoán Mỹ trong những phiên giao dịch gần đây liên tiếp phá kỷ lục mới. Thị trường tài chính thế giới cũng đã gạt bỏ những mối hoài nghi về bất ổn chính trị xoay quanh cuộc khủng bố ở chợ Giáng sinh tại Berlin, Đức và vụ sát hại Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, vàng chưa tìm được điểm hỗ trợ để tăng giá.
Ngoài ra, tình hình nhập khẩu vàng từ Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, trong những tháng gần đây giảm mạnh. Các yếu tố này khiến vàng mất giá. Mở cửa phiên giao dịch ngày 22-12, giá vàng thế giới ở mức 1.131 USD/ounce, giảm khoảng 80 USD/ounce so với 2 tuần trước đó.
Vàng sẽ diễn biến ra sao trong nửa đầu năm 2017 khi Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất, thưa ông?
Nếu Fed tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2017 như dự kiến, giá trị USD tiếp tục tăng mạnh và làm lu mờ giá trị của kim loại vàng, rất có thể giá vàng sẽ có nhưng đợt điều chỉnh giảm cả trong ngắn hạn và trung hạn.
Dự đoán trước động thái tăng lãi suất của Fed, một số nhà đầu tư vàng lớn trên thế giới đã có động thái bán tháo vàng trước đó. Từ đầu tháng 11 đến nay, Quỹ tín thác vàng SPDR có nhiều phiên bán vàng với khối lượng lớn, lượng vàng nắm giữ giảm khoảng 64 tấn.
Ngoài áp lực từ USD tăng giá, thị trường vàng còn chịu áp lực từ một số yếu tố khác như sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ, làm giảm nhu cầu trú ẩn đối với vàng.
Ngày 21-12 vừa qua, Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen đánh giá thị trường lao động Mỹ đang ở trạng thái tốt nhất trong vòng 1 thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng việc làm ổn định và tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đánh giá này không mới nhưng cho thấy Fed đang lạc quan về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Đáng chú ý, trong thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu vàng của Ấn Độ có thể tiếp tục giảm mạnh do nhiều người dân không đủ tiền mặt để chi tiêu sau quyết định rút toàn bộ số tiền mệnh giá lớn, chiếm 86% tổng tiền đang được lưu hành tại Ấn Độ của chính phủ nước này.
Như vậy, cơ hội để giá vàng bật tăng trong thời gian tới là rất ít?
Tôi cho rằng việc Fed tăng lãi suất đã được dự báo trước và một phần nào đó được phản ánh vào giá vàng, đồng thời biên độ và tần suất tăng lãi suất của Fed sẽ không lớn nên khả năng vàng khó điều chỉnh giảm mạnh.
Trường hợp Fed không tăng lãi suất trong năm 2017 như dự kiến thì vàng có thể trải nghiệm một nửa đầu năm tăng giá như đã xảy ra trong năm 2016.
Mặt khác, ngay cả khi Fed tăng lãi suất, vàng cũng có cơ hội tăng. Lịch sử cho thấy vàng vẫn tăng hơn 50% trong giai đoạn Fed tăng lãi suất năm 2004 - 2006.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị tại nhiều nơi trên thế giới đang tiếp diễn và khả năng chưa lắng dịu trong năm 2017. Chính sách chi tiêu của Tổng thống đắc cử Donald Trump, với nguồn lực dành cho cơ sở hạ tầng hàng nghìn tỉ USD từng được đề xuất có thể đẩy thâm hụt ngân sách vượt mức 1.000 tỉ USD mỗi năm. Các yếu tố này sẽ giúp vàng giữ vững vị thế. Trong khi đó, vàng vẫn được coi là một tài sản để chống lại nguy cơ lạm phát. Do đó, vàng vẫn có cơ hội tăng giá trong năm 2017.
Liệu có nên xem xét bỏ vốn vào kênh đầu tư vàng, theo ông?
Mặc dù vàng có cơ hội tăng giá nhưng nhà đầu tư nên thận trọng. Những gợn sóng nhấp nhô của giá vàng thế giới chưa đủ mạnh để tạo lực đẩy cho giá vàng trong nước. Bởi lẽ, thị trường vàng trong nước không liên thông được với thị trường vàng thế giới khi Việt Nam đã đóng cửa xuất, nhập khẩu vàng, nên khó ghi nhận những giao dịch nổi trội.
Đặc biệt, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khó thu hẹp, hiện cao hơn 5 triệu đồng/lượng, nhất là khi tỷ giá đang chịu áp lực trước sự tăng giá của đồng bạc xanh trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều rủi ro nếu Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp đưa giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới.
Thực tế cho thấy các nhà đầu tư đang thận trọng trong việc giao dịch vàng miếng SJC. Đáng chú ý, cung vàng miếng trên thị trường hiện nay không còn dồi dào như trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng được ban hành.
Mặc dù vậy, cơ hội đầu tư vào vàng vẫn mở cửa cho những nhà đầu tư am hiểu và phân tích các diễn biến của thị trường. Còn với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước, nên tránh mua theo “bầy đàn".