Theo ban lãnh đạo Maritime Bank, năm 2015 đánh dấu cột mốc phát triển mới của ngân hàng (NH) với sự kiện mua lại Công ty Tài chính Cổ phần Dệt may Việt Nam và sáp nhập NH TMCP Phát triển Mê Kông (MDB)… trở thành một trong những NH cổ phần hàng đầu xét về quy mô, mạng lưới.
Sau sáp nhập, Maritime Bank được bổ sung đa dạng hơn về các sản phẩm tín dụng nông nghiệp, nông thôn, mở rộng phân khúc khách hàng và mạng lưới vào phía Nam vốn là thế mạnh của MDB trước đây.
Các chỉ tiêu kinh doanh tiếp tục khả quan như tính đến cuối năm 2015, tổng dư nợ đạt 50.126 tỉ đồng tăng 27,4% so với năm trước, trong đó cho vay khách hàng cá nhân đạt mức tăng trưởng 2,6 lần. Tổng nguồn vốn huy động đạt 65.913 tỉ đồng tương ứng mức 98,6% so với năm trước.
Theo Hội đồng quản trị Maritime Bank, tuy có sự suy giảm nhẹ về quy mô huy động nhưng cơ cấu vốn đã được dịch chuyển theo hướng ổn định và bền vững hơn qua việc tăng tỉ trọng tiền gửi huy động kỳ hạn trên 12 tháng và tăng tỉ trọng tiền gửi khách hàng cá nhân lên mức 60%.
Tổng tài sản tại thời điểm 31-12-2015 của NH giữ ở mức tương đương năm 2014 đạt 104.311 tỉ đồng. Sau thương vụ sáp nhập MDB, vốn chủ sở hữu của Maritime Bank tăng 44% so với đầu năm 2015, lên mức 13.616 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu của NH ở mức 2,16%.
Lợi nhuận trước thuế đạt 158 tỉ đồng, giảm 2,45% so với năm trước, chủ yếu do NH tăng cường xử lý các khoản nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo yêu cầu của NH Nhà nước đảm bảo tài chính vững mạnh, ổn định trong những năm tiếp theo. Năm nay, Maritime Bank tiếp tục không chia cổ tức, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Anh Tuấn, việc không chia cổ tức nhằm nâng cao năng lực tài chính NH.
Tại ĐHCĐ năm nay, Maritime Bank đã bầu thêm 3 nhân sự mới vào Hội đồng quản trị gồm các ông Huỳnh Bửu Quang (Tổng giám đốc), ông Trần Xuân Quảng, Nguyễn Đức Hoàn.
Năm 2016, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua kế hoạch với mức lợi nhuận tăng 20% so với năm trước và tỉ lệ nợ xấu duy trì dưới 3% theo yêu cầu của NH Nhà nước.