Nay với đợt chia thưởng cả trăm tỉ đồng của năm 2014 và 2015 gộp lại, một lần nữa lại khiến người ta giật mình đặt câu hỏi có hay không “đặc quyền đặc lợi” tại SCIC. Phải chăng, doanh nghiệp được ưu ái?
Báo cáo quản trị của SCIC năm 2015 vừa công bố cho thấy, bình quân thu nhập của lãnh đạo và nhân viên tại đây vượt trội so với mặt bằng chung của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Lương lãnh đạo trên trăm triệu đồng/tháng
Thống kê từ báo cáo kết quả tài chính năm 2015 (buộc phải công bố) của SCIC, 6 lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp này có thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm. Lần lượt là: Ông Lại Văn Đạo - Tổng Giám đốc SCIC nhận hơn 1,4 tỉ đồng. Thu nhập bình quân mỗi tháng của ông Đạo là 119 triệu đồng.
Bốn phó tổng giám đốc, gồm: Ông Hoàng Nguyên Học, ông Nguyễn Quốc Huy, ông Lê Song Lai, bà Nhữ Thị Hồng Liên cùng nhận mỗi người gần 1,3 tỉ đồng năm 2015; Kiểm soát viên Nguyễn Quốc Trị cũng nhận gần 1,1 tỉ đồng...
Báo cáo cũng cho thấy, năm 2015, SCIC chi tới 121 tỉ đồng để trả chi phí cho nhân viên, trong đó chi phí cho các cấp quản lý là 71,7 tỉ đồng còn nhân viên là 49,3 tỉ đồng - tăng mạnh so với năm 2014. Chi phí nhân viên bao gồm lương và các khoản trợ cấp khác. Hiện với quân số lao động hơn 270 người, ước tính chi phí cho một nhân viên của SCIC lên tới 37 triệu đồng/tháng. Năm 2014, thu nhập của nhân viên cũng đạt 30,4 triệu đồng/tháng.
Trước dấu hỏi to tướng của công luận đặt ra cho sự bất hợp lý của khoản lương thưởng khủng này, SCIC đã đăng đàn lý giải. Đại diện SCIC khẳng định việc chi trả tiền lương, thưởng cho viên chức quản lý và người lao động SCIC tuân thủ đúng quy định của pháp luật và phù hợp kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong tổng thu nhập của viên chức quản lý, có một số khoản thù lao, tiền thưởng được hình thành từ năm 2014 nhưng chi trả trong trong năm 2015.
“Điều này do quy chế tài chính của SCIC được ban hành theo Quyết định số 3369/QĐ-BTC ngày 31-12-2014 của Bộ Tài chính áp dụng cho năm tài chính 2014 trở đi nên SCIC đã gộp cả nguồn của năm 2014 và năm 2015 để chi trả” - thông tin nêu tại website của SCIC giải thích. Đồng thời phía SCIC cho biết đã báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vấn đề này và sẽ thông tin chi tiết khi có kết quả báo cáo.
Vì sao được ưu ái?
Khi mới ra đời, SCIC được cả “cha đẻ” là Bộ Tài chính lẫn người đỡ đầu là “Chính phủ” kỳ vọng sẽ trở thành một Temasek của Singapore - một mô hình DNNN vốn dĩ rất thành công trong các thương vụ đầu tư lớn, mang lại lợi nhuận lớn cho đất nước Singapore.
Trong vài lần hiếm hoi chia sẻ khi đó với một vài tờ báo (trong đó có Tiền Phong), bà Lê Thị Băng Tâm (Thứ trưởng kiêm Chủ tịch HĐQT SCIC lúc bấy giờ) rất tâm huyết khi nói về hoạt động và tương lai của SCIC cũng như hiệu quả SCIC mang lại.
“Nếu SCIC chứng minh được DN đem vốn đi kinh doanh mang lại hiệu quả lớn cho nhà nước, sẽ không ai nói gì khi lương thưởng cao tương xứng với đóng góp. Còn nếu chỉ ngồi đó thu tô của các DN khác và hưởng lương cao thì điều đó khó thuyết phục dư luận”.
Bà Phạm Chi Lan
Thời điểm đó, để tuyển người giỏi về, ít nhiều trong cơ chế lương bổng SCIC phải xin cơ chế “chiêu hiền đãi sỹ”. Tuy nhiên, theo thời gian và qua nhiều đời lãnh đạo, thực tế dường như SCIC chưa làm được những gì Chính phủ và cơ quan quản lý kỳ vọng. Dẫu kết quả kinh doanh và lợi nhuận hằng năm liên tục tăng trưởng cao nhưng một phần lớn đến từ hai nguồn: Bán phần vốn tại một số DNNN và thu cổ tức từ những doanh nghiệp khủng; thậm chí cả từ lãi tiền gửi ngân hàng hay mua trái phiếu Chính phủ.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong trong một lần trò chuyện, một lãnh đạo SCIC đã nói: Nếu bạn hỏi SCIC có giống Temasek thì tôi xin nói là SCIC có thế chân kiềng đó là vừa có cả quản lý vốn, vừa cả đầu tư.
Tuy nhiên, nếu đầu tư thời kỳ qua, không phải là không có rủi ro khi cứ 5 DN thành lập mới thì 2 DN chết ; đầu tư cho dự án thì 5 -7 năm mới có dòng tiền về. “Ngoài ra, với mảng đầu tư anh em có phần sợ trách nhiệm vì là quản lý và kinh doanh vốn của Nhà nước mà. Hiện tất cả các đoàn kiểm tra đều muốn đi phân tích để xem những dự án SCIC chưa thành công để xem xét trách nhiệm” - vị này cho biết.
Bình luận về câu chuyện lương, thưởng của SCIC, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, SCIC trước đây từng bị phản ứng mạnh vì lương lãnh đạo, cán bộ quá cao. Sau đó, SCIC nói không có chuyện lương vượt khung, nhưng đối chiếu sổ sách rõ ràng là có, nay lại tiếp tục lùm xùm lương thưởng.
“Điều đó dẫn tới nghi vấn cơ chế giám sát như thế nào và ai chịu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm. Nếu có vi phạm bộ chủ quản, cơ quan giám sát cũng phải chịu trách nhiệm” - ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, bản thân SCIC cũng là cơ quan quản lý, lãnh đạo DN còn xảy ra chuyện như vậy, thử hỏi ở cấp lãnh đạo trực tiếp DN sẽ thế nào, rất dễ phát sinh lạm quyền.
TS Phạm Chi Lan cho rằng dù nhà nước nhiều lần đưa ra các quy định khống chế lương, thưởng của lãnh đạo các DNNN nhưng thực tế lương nhiều lãnh đạo DNNN vẫn cao vượt khung, năm nào báo chí cũng “phanh phui” 2, 3 vụ.
Theo bà Lan, với những DNNN lớn, được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhiều khi trả mức lương vài chục hay cả trăm triệu đồng/tháng chưa hẳn đã “xứng” với công sức người lãnh đạo bỏ ra.
Nhưng ở trường hợp của SCIC, gần như tất cả lợi nhuận mà DN có được đều đến từ sự đóng góp lãi cổ tức của các DN “khủng” như Vinamilk, FPT…. Theo bà Lan, bản thân hoạt động kinh doanh, đầu tư của SCIC mang lại được lợi nhuận cho nhà nước được bao nhiêu không chứng minh rõ ràng.