Ông Trần Văn Long (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết cách đây không lâu, ông được một chủ DN thân quen nhờ đứng tên sổ tiết kiệm 10 tỉ đồng, kỳ hạn gửi 12 tháng, lãi suất 7%/năm (0,58%/tháng). Sau đó, ông bảo lãnh bằng thế chấp sổ tiết kiệm cho ngân hàng (NH) để DN này vay lại USD trong 1 năm. NH cho vay USD bằng 90% số tiền VNĐ đã gửi và áp lãi suất vay ngoại tệ 5%/năm. “Tính ra, DN được hưởng chênh lệch lãi suất 2%” - ông Long nói.
Trao đổi với phóng viên về hiện tượng trên, một lãnh đạo NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng thông thường, DN gửi tiền không kỳ hạn, lãi suất chỉ 0,5%/năm để có thể rút ra khi cần. Tuy nhiên, do gần đây, nhiều NH tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài (12 tháng trở lên), một số DN được vay ngoại tệ nhờ người thân gửi tiết kiệm hàng tỉ đồng rồi vay lại bằng USD ngắn hạn, thường 3-6 tháng để hưởng chênh lệch lãi suất. Ví dụ, DN cho người nhà đứng tên sổ tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, lãi suất 8%/năm (0,66%/tháng) rồi thế chấp sổ tiết kiệm này vay lại USD 3 tháng, lãi suất 3%/năm (0,25%/tháng).
Như thế, sau 3 tháng vay USD, DN chỉ trả lãi suất 0,75%, trong khi lãi suất tiết kiệm mà DN thực hưởng gần 2%. “Tuy nhiên, việc DN dùng chiêu này cũng khá mạo hiểm bởi khi tất toán, nếu tỉ giá tăng hơn 2% thì DN bị thiệt” - vị này phân tích.
Không chỉ vay ngoại tệ, có DN thế chấp sổ tiết kiệm VNĐ để vay lại tiền đồng. Về hiện tượng này, tổng giám đốc một NH ở TP HCM thừa nhận có DN giao tiền cho nhân viên thân tín mở sổ tiết kiệm dài hạn, hưởng lãi suất trên 7%/năm (0,58%/tháng) rồi vay lại trong 3 tháng, lãi suất 6%/năm (0,5%/tháng). Cách này, DN vẫn được lợi dù không nhiều.
Việc giao dịch lòng vòng này NH được tăng nguồn vốn dài hạn, giảm rủi ro do sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn theo khuyến cáo của NH Nhà nước. Bên cạnh đó, sử dụng vốn ngắn hạn cho DN vay ngắn hạn, NH vẫn được hưởng chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay.
Theo giới phân tích, NH cho DN vay tiền với tài sản thế chấp là sổ tiết kiệm thì độ rủi ro gần bằng không bởi có sẵn nguồn để thu hồi vốn. DN có lợi ích khi thu nhập từ gửi tiết kiệm không phải chịu thuế, đồng thời lãi suất vay vốn NH được khấu trừ vào chi phí khi tính thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, DN phải đối mặt với rủi ro nếu người đứng tên sổ tiết kiệm lật “kèo” trước khi làm thủ tục bảo lãnh cho DN vay.