Đây được xem là một trong những sự kiện IPO đặc biệt “vài năm chỉ có một lần”.
Trong ngày đầu tiên IPO, Lending Club đã thu về 870 triệu đô la Mỹ với số cổ phiếu được định giá 15 đô la, cao hơn dự kiến. Giá trị công ty được định là 5,4 tỉ đô la. Việc này đã làm dấy lên đồn đoán sẽ bùng nổ việc các công ty cho vay ngang hàng khác chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Lending Club được xem là tiên phong trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (peer-to-peer) kết nối cho vay trực tuyến với bất cứ mục tiêu gì, từ mua nhà, nghỉ mát đến kinh doanh. Dịch vụ này đang làm đau đầu các ngân hàng vì đã tạo ra một thị trường mới kết nối người muốn cho vay và người cần vay mà không cần thông qua ngân hàng, không cần phải thỏa mãn những điều kiện vay vốn kiểu truyền thống.
Ảnh: The Economist
Cụ thể, thông qua Lending Club, các nhà đầu tư cho vay lấy lãi hàng tháng. Mỗi khoản vay được ấn định mức thứ hạng (điểm) dựa vào các yếu tố trong lịch sử tín dụng và thu nhập của người vay để đưa ra hạng mức tín dụng và lãi suất khác nhau. Khoản vay tối đa là 35.000 đô la cho vay cá nhân và 100.000 đô la cho vay kinh doanh.
Theo website của công ty, lãi suất trung bình cho một khoản vay hạng A là 7,6%. Còn hạng thấp nhất là G với 25%. Từ khi thành lập năm 2006, hơn 6,2 tỉ đô la giá trị khoản vay đã được trao đổi trên Lending Club. Tổng số tiền lãi cho các nhà đầu tư là 596 triệu đô la.
Với sự kiện lên sàn, Lending Club hứa hẹn sẽ nâng cấp dịch vụ và thị trường cho vay hiệu quả hơn. Điều hấp dẫn nhất đối với người vay là lãi suất trên thị trường của Lending Club là thấp hơn nhiều mức lãi thẻ tín dụng thông thường. Vì thế, các khoản vay dễ thực hiện hơn, nên người ta sẽ tiêu dùng nhiều hơn, điều này dĩ nhiên là rất tốt cho kinh tế nước Mỹ.
Lending Club có đội ngũ lãnh đạo khá tên tuổi và kỳ cựu trong làng tài chính. Trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính - Larry Summers và cựu CEO kiêm Chủ tịch Morgan Stanley - John Mack. Giám đốc Tác nghiệp và Marketing của Lending Club - Scott Sanborn cho biết nhà đầu tư rất thích dịch vụ của họ, do dễ hiểu hơn nhiều so với theo dõi cổ phiếu.
Tuy nhiên, cũng có những quan ngại đối với dịch vụ này, như nhiều người vay có thể là những người có thu nhập thấp, do Lending Club chỉ cho điểm tín dụng dựa vào các thuật toán chứ không cần qua thủ tục chứng minh thu nhập; bảo hiểm cho vay hay các vấn đề pháp lý khác…
Dù vậy, Lending Club cũng như dịch vụ cho vay ngang hàng vẫn đang là xu hướng phát triển mạnh. Tại Anh, cứ mỗi sáu tháng, giá trị các khoản vay theo dạng này lại tăng gấp đôi và hiện đã vượt ngưỡng 1 tỉ bảng Anh (tương đương 1,7 tỉ đô la Mỹ).
Trong khi đó tại Mỹ, hai nhà cho vay ngang hàng lớn nhất là Lending Club và Prosper đã chiếm thị phần đến 98%. Họ đã cung cấp các khoản vay có giá trị tổng cộng 2,4 tỉ đô la trong năm 2013, cao hơn nhiều mức 871 triệu đô la trong năm 2012. Các nhà cho vay ngang hàng nhỏ khác cũng đang phát triển với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn nhiều.