Tại báo cáo triển vọng kinh tế 2016 của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) vừa công bố, cơ quan này nhận định trong năm 2016 cán cân thanh toán có một số thuận lợi như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân dự báo tăng từ 13,2 tỉ USD ước cho năm nay lên 13,5 tỉ USD trong năm 2016.
Đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng sẽ tăng trong năm sau do tăng trưởng tiếp tục cải thiện, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, dù việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Kiều hối ước đạt 13 tỉ USD trong năm nay và dự báo tăng lên 14 tỉ USD trong năm 2016…
Dù vậy, UBGSTCQG cho rằng vẫn có những nhân tố không thuận lợi cho cán cân thanh toán, như việc nhập siêu tăng khi nhập khẩu được dự báo tăng nhanh hơn năm nay và tăng nhanh hơn xuất khẩu. Dự báo nhập siêu sẽ ở mức 4 tỉ USD, tăng so với mức nhập siêu khoảng 3,2 tỉ USD của cả năm 2015.
Xu hướng mất giá (so với USD) của đồng tiền các nước cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là mặt hàng nông sản, tạo thêm sức ép đối với cán cân thương mại và tỉ giá.
“Năm 2016, có sức ép đối với tỉ giá, phần nào mạnh hơn 2015, đòi hỏi chính sách cần linh hoạt, thận trọng. Đồng thời, chính sách tỉ giá nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung cần được hỗ trợ đồng bộ bởi các chính sách khác như chính sách tài khóa, chính sách thương mại” - báo cáo đưa ra khuyến nghị.
Trong khi đó, lãi suất cũng được cơ quan này dự báo năm 2016 sẽ chịu sức ép từ nhiều yếu tố như lạm phát tăng làm tăng kỳ vọng của dân chúng, qua đó gây áp lực làm tăng lãi suất huy động. Cầu tín dụng của khu vực tư nhân tiếp tục tăng trong khi nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ không giảm.
Xu hướng tăng lãi suất USD trên thị trường thế giới làm thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ. Khi đó, xu hướng này sẽ hạn chế khả năng giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định tỉ giá. Ngoài ra, việc các ngân hàng thương mại tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay.
Thực tế, những ngày vừa qua thị trường đã xuất hiện làn sóng tăng lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng thương mại và xu hướng này có sự “góp phần” của một số “ông lớn” ngân hàng.
Tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng năm 2015 hồi cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhìn nhận năm 2016 việc điều hành chính sách tiền tệ và vĩ mô sẽ khó hơn vì nhiều áp lực, như lạm phát, giá dầu có biến động tăng… Phó thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô. Với chính sách tỉ giá, cần tiếp tục bám sát theo thị trường, nhanh nhạy và kịp thời.
Còn theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động ngân hàng sẽ còn khó khăn khi dư địa có thể triển khai chính sách ngày càng hạn hẹp. Những bất ổn trên thị trường quốc tế, đặc biệt thị trường tài chính luôn rình rập (đồng nhân dân tệ phá giá, USD tăng giá...) tác động đến hoạt động chính sách tiền tệ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. “Ở một chừng mực nào đó, việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 sẽ khó khăn hơn nhiều so với 2 năm trước” - ông Bình nói.