Khơi mào cho đợt tăng lãi suất này là Ngân hàng Đông Á, khi mà ngân hàng này đã hai lần nâng lãi suất huy động kể từ cuối tháng 9 đến nay. Tuy nhiên, thời điểm Đông Á tăng lãi suất không khiến thị trường lo ngại bởi lẽ người ta cho rằng do ngân hàng này đang bị kiểm soát đặc biệt nên cần thiết tăng lãi suất để giữ khách hàng, giữ thanh khoản ở mức cần thiết.
Theo sau Đông Á, những ngày gần đây lần lượt các ngân hàng như Vietcapital, Sacombank, Eximbank, SCB, ACB... đều tăng lãi suất huy động. Mặc dù vậy, một số chuyên gia và thị trường cho rằng các ngân hàng tăng lãi suất như vậy chỉ là các ngân hàng nhỏ, ngân hàng thương mại cổ phần chứ chưa phải là sự tăng lên của mặt bằng lãi suất huy động.
Nhưng đầu tuần này, VietinBank, một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, cũng tăng lãi suất huy động và việc này càng khẳng định về sự tăng lên của mặt bằng lãi suất huy động. Đây có thể là dấu hiệu cho một chu kỳ chạy đua lãi suất mới trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là khi mà nền kinh tế đang phát đi những dấu hiệu cho thấy nếu không có sự thay đổi trong suy tính của các nhà làm chính sách thì “giá vốn” sẽ tăng. Các dấu hiệu này bao gồm:
- Nền kinh tế phát đi những số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang ở mức cao nhất trong vòng năm năm qua, sự phục hồi tăng trưởng cho thấy bất ổn vĩ mô đã qua đi và một chu kỳ tăng trưởng mới sắp đến. Và khi kinh tế tăng trưởng nhanh trở lại thì nhu cầu tín dụng cũng tăng theo và do đó lãi suất sẽ bị đẩy lên mức cao hơn.
- Lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) tăng lên cho thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng cao và thị trường đang sẵn sàng trả chi phí vốn cao hơn. Hơn nữa, việc ngân sách đang gặp khó khăn sẽ dẫn đến tình trạng Chính phủ tăng cường phát hành TPCP, qua đó tác động lấn át lên nguồn vốn của khu vực tư nhân và đẩy lãi suất thị trường lên cao hơn.
- Tư duy muốn duy trì tiền đồng (VND) mạnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã buộc NHNN liên tục đưa ra các cam kết giữ ổn định tỷ giá, cũng như sử dụng các biện pháp như giãn khoảng cách chênh lệch lãi suất đô la Mỹ (USD) và VND, bán ra ngoại tệ (qua đó hút VND về)... đã làm cho lãi suất VND luôn trong trạng thái chực chờ tăng lên.
Với những điều kiện như vậy, thì việc lãi suất VND tăng lên là điều có thể đoán định. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lạm phát đang giảm và duy trì ở mức thấp kỷ lục như hiện nay thì việc tăng lãi suất của thị trường là điều vô lý. Bởi lẽ, lãi suất bị đẩy tăng trong khi lạm phát quá thấp và vẫn đang giảm cho thấy chính sách tiền tệ đang có vấn đề, mà theo nhiều chuyên gia, đó là do đang có sự xung đột trong mục tiêu chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá. Nếu không xử lý ngay tình trạng vô lý này thì nền kinh tế sẽ gặp khó trong tương lai gần.
Lãi suất huy động tăng đã chấm dứt luôn hy vọng giảm lãi suất cho vay. Cách đây khoảng một tháng, hy vọng giảm lãi suất vẫn còn khi mà lạm phát vẫn tiếp tục giảm và đặc biệt là các ngân hàng liên tục tung ra các gói tín dụng ưu đãi nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng, giữ thị phần. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại tình thế đã hoàn toàn đảo ngược khi các ngân hàng đang tăng lãi suất cho vay. Đặc biệt các khoản vay cũ hầu như không còn hy vọng giảm thêm lãi suất mà ngược lại lãi suất sẽ tăng trở lại khi đến chu kỳ thay đổi lãi suất.
Với một khoản vay cũ có thời hạn trên một năm được xem là ưu đãi hiện nay thì lãi suất thấp cũng ở mức 9%/năm, với lạm phát là 2%/năm thì lãi suất thực của khoản vay này là trên 7%. Đây là mức lãi suất cho vay cao dù là đối với bất kỳ nền kinh tế nào.
Ở khía cạnh khác, lãi suất cho vay sẽ rất khó giảm nếu như tình trạng nợ xấu lớn trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa được xử lý. Thực tế, dù tỷ lệ nợ xấu đã về dưới 3% tổng dư nợ trong sổ sách của hệ thống ngân hàng, thì các ngân hàng vẫn đang gồng mình xử lý hơn 200.000 tỉ đồng nợ xấu bán cho VAMC. Điều này có nghĩa là các ngân hàng vẫn đang trả lãi cho khoản nợ xấu không chỉ gần 3% tổng dư nợ, mà còn trả lãi cho hơn 200.000 tỉ đồng dư nợ bán cho VAMC. Vì vậy chi phí vốn của các ngân hàng đã bị tăng lên.
Nếu cộng với chi phí dự phòng khoảng 10-20% dư nợ bán cho VAMC thì chi phí vốn chi cho khoản nợ xấu này là 1-1,7%. Đây là khoản chi phí rất cao nếu biết rằng mức chênh lệch lãi suất huy động - cho vay trong hệ thống ngân hàng hiện tại chỉ vào khoảng 3%.
Những phân tích ở trên cho thấy, bài toán giảm lãi suất có khá nhiều biến số phức tạp đòi hỏi cơ quan điều hành thị trường phải có những lời giải phù hợp.