Từ mức 965 USD/Bitcoin ngày 26/3, giá đồng tiền ảo này đã lên tới mức 2,259 USD/Bitcoin, tăng 134% giá trị chỉ trong vòng 2 tháng. Vậy vì đâu một đồng tiền ảo không được nhiều quốc gia công nhận lại tăng giá phi mã?
Giá trị của Bitcoin
Một đồng tiền, như Việt Nam đồng, có giá trị là vì đây là loại tiền tệ được Chính phủ công nhận, là đồng tiền duy nhất dùng để nộp thuế cho chính phủ. Do đó, nếu tham gia bất kỳ hoạt động giao thương nào tại Việt Nam, bạn cần Việt Nam đồng, điều này tạo ra giá trị cho đơn vị tiền tệ này.
Vậy Bitcoin có phải là một đơn vị tiền tệ, hay là một nền tảng thanh toán, hay một loại tài sản ảo được định giá? Câu trả lời dễ hiểu nhất là Bitcoin bao gồm cả 3 yếu tố trên.
Có thể hiểu Bitcoin vừa là đơn vị tiền tệ, vừa là tài sản ảo và vừa là một nền tảng thanh toán. Ảnh: Techcrunch.
Vàng là kim loại có giá trị vì tính quý hiếm. Đồng USD có giá trị vì được chấp nhận rộng rãi và Bitcoin có giá trị vì tính phổ biến. Càng ngày càng có nhiều người chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, điều này khiến giá trị của Bitcoin càng ngày càng tăng.
Có thể hiểu Bitcoin hoạt động như một mạng xã hội chuyên về thanh toán. Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, sẽ không có giá trị nếu không ai sử dụng, tuy nhiên với 1 tỷ người dùng toàn cầu, Facebook trở thành một tài sản có giá trị.
Giá trị của Bitcoin gần như gắn chặt với lượng người sử dụng đồng tiền ảo này, điều này đồng nghĩa giá trị của Bitcoin không ổn định, có thể tăng giảm với tốc độ nhanh.
Một điều cần nhớ là Bitcoin không phải là đồng tiền ảo duy nhất. Rất nhiều các đồng tiền có tính chất tương tự, thâm chí tiên tiến hơn Bitcoin đã và đang ra đời. Công nghệ luôn phát triển và nhiều đồng tiền mới có tính bảo mật còn cao hơn, sử dụng thuận tiện hơn Bitcoin có khả năng soán chỗ của đồng tiền này, khi đó Bitcoin sẽ mất đi giá trị.
Tại Việt Nam, việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ (tương tự như ở các nước tiên tiến khác). Tuy nhiên, chưa có văn bản nào xác định việc giao dịch Bitcoin là hành vi vi phạm pháp luật hay các quy định quản lý Nhà nước một cách cụ thể.
Vì đâu Bitcoin tăng giá phi mã
Bitcoin ngày càng phổ biến, khiến các nhà đầu tư coi đây là một kênh trú ẩn tài sản khả thi để thay vàng. Giống như vàng, giá Bitcoin cũng rất nhạy cảm với các sự kiện chính trị.
Sự bất ổn tại Nhà Trắng đã khiến giới siêu giàu mất 35 tỷ USD chỉ sau vài ngày trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu lúc này không còn hấp dẫn, các nhà đầu tư chuyển hướng sang các kênh khác là vàng và Bitcoin để lưu trữ tài sản.
Giá vàng ngay lập tức nhích nhẹ vì thị trường vàng thế giới đã định hình qua nhiều thế kỷ, biến động từ một sự kiện địa chính trị tác động không lớn tới cả thị trường.
Tuy nhiên, với một thị trường nhỏ như Bitcoin, lượng vốn mới đổ vào thị trường đã gây ra tác động kép. Không chỉ giá trị trường tăng do lượng tiền đổ vào, Bitcoin còn tăng giá trị nhờ lòng tin của người vào nền tảng này. Khi người giàu dùng Bitcoin như họ dùng vàng để cất tài sản, nhiều người chưa từng tin vào giá trị của Bitcoin đã bị thuyết phục và cân nhắc đầu tư vào đồng tiền ảo này.
Hai yếu tố quan trọng là giá trị thị trường và lượng người dùng đều tăng mạnh, cộng với quy mô thị trường Bitcoin chưa quá lớn (37,83 tỉ USD) đã khiến giá Bitcoin tăng phi mã từ thời điểm 26/3 tới nay.
Mức tăng trưởng mạnh cho thấy tiềm năng của đồng tiền ảo này, những cũng thể hiện tính bất ổn trong giá trị. Một tài sản có thể tăng 134% giá trị chỉ trong 2 tháng thì không lý do gì không thể mất ngần ấy trong tương lai.
Người giàu sẵn sàng cất giấu tài sản vào kênh Bitcoin phần lớn là những tài sản có nguồn gốc nhạy cảm, không thể cất giấu ở các kênh khác. Họ sẵn sàng mất một phần giá trị tài sản trong trường hợp Bitcoin mất giá để lượng tiền này được nặc danh trong giao dịch.
Các chuyên gia tài chính cũng nhận định với những tài sản có giá trị bất ổn như Bitcoin thì chỉ thích hợp để đầu tư "lướt sóng" thay vì dài hạn.