Chuyên gia của HSBC nhận định, trong 1 tháng qua, thị trường tài chính Việt Nam đã trải qua một số xáo trộn liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, theo đánh giá của HSBC, các nhà chức trách Việt Nam đã có cách xử lý tình huống tốt.
“Ban đầu, thị trường khá hoảng hốt, với thanh khoản VND trên thị trường liên ngân hàng căng thẳng và thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh. Nhưng gần đây, thị trường đã trở nên bình tĩnh. Tôi tin rằng, thị trường hiểu được nguyên tắc hàng đầu về sự “ổn định” là không thay đổi. Bởi thế, cho dù điều gì xảy ra, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo sự an toàn cho hệ thống ngân hàng”, chuyên gia của HSBC đánh giá.
HSBC cũng chỉ ra rằng, thị trường ngoại hối của Việt Nam đến nay vẫn rất ổn định, bất chấp những xáo trộn nói trên. HSBC dự báo, quý 4 năm nay sẽ rất khác với quý 4 của mấy năm trước, với thị trường ngoại hối được dự kiến sẽ ổn định. Nguyên nhân của sự ổn định này, theo HSBC, bao gồm sức cầu nội địa yếu và hoạt độnh xuất khẩu duy trì vững của Việt Nam.
Theo dự báo mà ngân hàng này đưa ra, thì tỷ giá USD/VND cuối năm nay chỉ lên mức 21.200-21.300 đồng/USD, từ mức khoảng 20.900 đồng/USD hiện nay.
Mặc dù vậy, HSBC tỏ ra băn khoăn về trạng thái vàng trong các ngân hàng Việt Nam hiện nay. “Trạng thái vàng tại các ngân hàng trong nước vẫn là một nhân tố khó đoán biết. Nếu các ngân hàng trong nước buộc phải đóng trạng thái vàng trước ngày 25/11/2012, thì thị trường ngoại hối có thể chịu nhiều áp lực”, chuyên gia HSBC nhận định.
Theo dự báo mới nhất của HSBC, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ đạt mức 5,1% trong năm nay và 5,8% trong năm 2013 sau khi đạt 5,9% trong năm 2011. Tỷ lệ lạm phát trung bình cả năm được dự báo ở mức 8,6% trong năm nay và 8,4% trong năm 2013, so với mức 18,6% trong năm 2011.
Về lãi suất, HSBC cho rằng, lãi suất cơ bản của Việt Nam sẽ còn ở mức 8% cho tới hết năm nay, trước khi tăng lên mức 9% vào quý 1 năm sau.
Về khu vực châu Á, HSBC nhận định, nền kinh tế khu vực còn nhiều khó khăn ở thời điểm hiện tại, với tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp cùng giảm, niềm tin đi xuống… Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng cung tiền được đẩy lên từ cuối năm ngoái ở hầu hết các thị trường châu Á, HSBC tin rằng, tình hình sản xuất công nghiệp trong khu vực có thể được cải thiện từ tháng 10 năm nay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) gần đây đều đã tuyên bố bơm thêm tiền vào thị trường. Các động thái này có thể sẽ giúp duy trì tăng trưởng tín dụng ở châu Á trong tương lai gần, nhất là ở những nền kinh tế châu Á có quy mô nhỏ hơn và có độ mở cao hơn. Theo HSBC, các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi nhiều từ xu hướng này.
Thông điệp mà HSBC muốn gửi tới các nhà đầu tư là: chính sách tiền tệ vẫn đang phát huy tác dụng, ít nhất là ở châu Á, và dòng tiền hiện đang tăng chứ không giảm. Bởi vậy, các nhà đầu tư cần kiên nhẫn thêm chút nữa.
(Theo VnEconomy)