Lãi suất tiền gửi tiết kiệm có dấu hiệu tăng nhẹ, trong khi bất động sản vẫn hút hàng đối với phân khúc nhà ở hoặc mua cho thuê trong năm tới, tỉ giá dự báo sẽ còn áp lực tăng và vàng khó dậy “sóng”… khiến những người có tiền nhàn rỗi băn khoăn tìm kiếm kênh bỏ vốn hiệu quả trong thời điểm cuối năm.
Theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, bất động sản sẽ ấm dần nhưng chưa thể kỳ vọng sớm tan băng; tỉ giá khó kìm chế nhưng không biến động mạnh. Vì vậy, những người lâu nay vẫn hưởng lãi suất từ tiết kiệm thì gửi tiền nhờ ngân hàng “giữ hộ” được xem là cách lựa chọn an toàn nhất.
Với sổ tiết kiệm gần 1,85 tỉ đồng sắp đến thời gian đáo hạn (kỳ hạn gửi 6 tháng), chị Ngọc Thu (quận 5, TP. HCM) băn khoăn không biết có nên tái tục hay rút vốn mua căn hộ cho thuê. Chị Thu cho biết nhận thấy nhiều người bắt đầu chuyển hướng sang bất động sản, đặc biệt là mua căn hộ chung cư cho thuê khi thị trường này có dấu hiệu sôi động trở lại. Trong khi đó, lãi suất tuy có nhích lên thời gian gần đây, nhưng chủ yếu ở các ngân hàng nhỏ, còn nếu chọn gửi tiền ở các ngân hàng lớn, uy tín, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng chỉ vào khoảng 5%/năm.
Anh Nguyễn Minh Khanh (quận Thủ Đức, TP HCM) đang có một khoản tiền để dành trong ngân hàng khoảng gần 2 tỉ đồng. Trước dự báo giá vàng khó dậy “sóng” trong tương lai gần, anh Khanh cũng suy nghĩ đến việc chọn mua một căn hộ để cho thuê hoặc mua đất nền ở các quận xa trung tâm. Tuy nhiên, anh Khanh vẫn chưa thể quyết định, bởi với lãi suất 6,5-7%/năm kỳ hạn 9-12 tháng, tiền lãi thu về mỗi năm vẫn trên 120 triệu đồng.
Xu hướng bất động sản ấm dần lên, nhất là việc kể từ ngày 1/7 người nước ngoài được phép sở hữu nhà, đã tác động đến tâm lý của những người đang có tiền nhàn rỗi.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng, khả năng dòng tiền dịch chuyển từ tiết kiệm sang bất động sản là khó tránh khỏi. Đáng chú ý là đối với phân khúc nhà ở có mức giá từ 1,5-2 tỉ đồng, có nhiều khách hàng cá nhân quan tâm nên đã rút tiền tiết kiệm để mua nhà, thậm chí vay thêm ngân hàng.
Theo TS. Hiếu, bất động sản đang có sự phục hồi tốt, có thể được hưởng lợi từ những biến động tài chính, trong đó có dòng tiền sẽ đổ vào từ những thị trường có nhiều biến động khó lường như vàng và ngoại hối.
Cùng với sự ấm lên của thị trường này, các chính sách kích thích dòng chảy tín dụng vào bất động sản, các ngân hàng đang chú trọng đẩy mạnh vốn cho vay phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp.
Theo các chuyên gia tài chính, từ sự ấm lên phân khúc nhà ở ấm vừa túi tiền sẽ kéo theo các phân khúc cao cấp khác. Tuy nhiên, do giá bất động sản xuống quá sâu, thị trường trầm lắng trong thời gian dài nên không thể kỳ vọng sớm tan băng.
Các kênh đầu tư khác như: ngoại tệ, vàng hay chứng khoán vẫn hút nhiều nhà đầu tư nhưng theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT VGB, rủi ro vẫn rình rập nếu nhà đầu tư không tỉnh táo và nắm bắt được thông tin về diễn biến của thị trường trong và ngoài nước, nhất là trước sức ép đồng USD tăng trở lại, khối ngoại bán ròng.
Theo ông Hải, so với tiết kiệm thì rõ ràng chứng khoán, bất động sản có độ rủi ro cao hơn, nhưng được bù đắp bởi tỷ suất lợi nhuận tốt hơn khi thị trường tốt. Tuy nhiên, để kỳ vọng lợi nhuận ngay khi kinh doanh bất động sản, chứng khoán không dễ dàng như việc kinh doanh vàng, bởi lĩnh vực này có sự luân chuyển vốn nhanh và an toàn. Dù vậy, vàng đang bị đe dọa vì một khi FED sớm điều chỉnh lãi suất, các nhà đầu tư sẽ quay lại với đồng USD.
Cũng theo nhận định của ông Hải, tỉ giá theo chiều hướng lên sẽ ảnh hưởng đến lãi suất tiền đồng. Với mức lạm phát hiện nay, tỷ suất lợi nhuận trong việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng vẫn được đảm bảo và an toàn so với một số kênh đầu tư khác. Các ngân hàng gần đây cũng đã tái tăng lãi suất tiền gửi, nhất là kỳ hạn dài 9 -12 tháng nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ dân cư.
Trong khi đó, GS. TS. Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính, Đại học kinh tế TP HCM, cho rằng tỉ giá trong 10-15 năm gần đây về cơ bản không thay đổi nhiều so với diễn biến thị trường nên tác động của tỷ giá đến chứng khoán là không đáng kể.
Điều mà các nhà đầu tư quan tâm chính là tính bất ổn của thị trường này tác động đến thị trường kia. Thực tế, trong thời gian qua, Việt Nam điều hành tỉ giá dường như “neo” với diễn biến của đồng USD. Vì thế, sự biến động của tỉ giá chưa ảnh hưởng nhiều đến chứng khoán và ngược lại, so với các quốc gia đã thả nổi đồng tiền. Thực tế, tác động tỷ giá và giá dầu đến chứng khoán trong nước thời gian qua vẫn là yếu tố tâm lý.